Điện ảnh

Chuyên Mục

Vì sao phim 'Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu' thất thu ngoài rạp?


Quy tụ dàn cast với toàn những cái tên hot không giúp "Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu" bội thu ngoài rạp.


Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu - bộ phim “chốt sổ” điện ảnh Việt năm 2023 là đứa con tinh thần của đạo diễn trẻ Tien M. Nguyen. Khởi chiếu vào dịp Tết Dương lịch - thời điểm lượng khách ra rạp tăng cao, tác phẩm ít nhiều thu hút sự quan tâm, được kỳ vọng sẽ thành công tại phòng vé.

Song thực tế, thành tích của Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu lại kém xa kỳ vọng. Sau hơn 3 tuần công chiếu, dự án mới thu về 22,6 tỷ đồng tính đến chiều 20/1 (thống kê từ Box Office Vietnam). Cuối tuần qua, phim dắt túi vỏn vẹn 1 tỷ đồng, trên chưa đầy 800 suất chiếu. Tác phẩm hiện thoi thóp với doanh thu nhỏ giọt, chìm sâu dưới bảng tổng sắp phòng vé.

Nhiều hạn chế về nội dung

Thực trạng thất thu của Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu để lại tiếc nuối, bởi đây thực chất không phải một tác phẩm quá tệ. Với thể loại hài hước - vốn là món ăn tinh thần được khán giả Việt ưa chuộng trước nay - phim điện ảnh đầu tay của Tien M. Nguyen lại quy tụ dàn diễn viên trẻ có tiếng.

Nhờ những thế mạnh này, Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu có tiềm năng để trở thành “ngựa ô” tại phòng vé. Song, những hạn chế về nội dung cùng chiến lược câu kéo khán giả sai lầm khiến tác phẩm rơi vào cảnh bị lạnh nhạt.

Nội dung phim xoay quanh hội bạn thân gồm Gạo, Triệu và Du Lai, thường tụ tập tại quán rượu của Trí - anh trai của Triệu. Hay tin Gạo từng bị bạn trai cũ lừa tình và tiền, cả hội quyết định trả thù gã trai tệ bạc, đòi lại công lý cho cô bạn.

Phim bộc lộ nhiều hạn chế về kịch bản.

Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu bám sát motif dòng phim heist (phi vụ trộm cướp) đình đám. Ngay từ ý tưởng phim cũng có nhiều điểm tương đồng với những tác phẩm nổi tiếng trước đó của Hàn Quốc, Thái Lan, ví như Extreme Job, The Con-Heartist hay Work later, Drink now...

Sử dụng công thức hút khách, song món ăn mà Tien M. Nguyen phục vụ người xem lại không hấp dẫn như mong muốn. Điều này xuất phát từ sai lầm khi lựa chọn điểm nhấn cho câu chuyện muốn kể. Thông thường, các nhà làm phim heist luôn biết cách đánh thức sự hứng thú bằng một phi vụ thông minh, đầy tính toán cùng những biến số khó lòng đoán trước. Chúng kích thích, quyến rũ tâm trí khán giả, phóng đẩy bản năng khám phá trong họ hòa vào thế giới giả tưởng mà đạo diễn tạo ra.

Đáng tiếc, kịch bản của Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu lại bỏ qua điều này. Biên kịch và đạo diễn lãng quên tính thử thách, trí tuệ trong phi vụ đột nhập - những chất liệu làm nên câu chuyện heist hấp dẫn. Thay vào đó, họ quyết định chọc cười khán giả bằng những pha giải trí tới “vô tri”. Hầu hết nút thắt được gỡ rối bằng yếu tố may mắn. Nó khiến hành trình phim bị giản lược và tô hồng thái quá, chưa cho thấy sức nặng trong câu chuyện.

Chính vì vậy, biến cố ập đến mang đầy tính sắp đặt, không hợp lý, cũng chẳng thuyết phục.

Bàn về cách xây dựng nhân vật, Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu cũng chưa làm tốt. Sự bất đối xứng giữa hai tuyến phản diện - chính diện là chìa khóa mở ra bầu không khí kịch tính, căng thẳng cho dòng phim heist. Chênh lệch càng lớn, thử thách, gian nan càng nhiều, các màn chạm trán càng trở nên bùng nổ.

Qua đó, tâm lý nhân vật sẽ có sự phát triển, trưởng thành một cách rõ rệt. Trải qua nhiều biến cố, có bước tiến, lùi, thành công hay gục ngã, họ nhận được những bài học giá trị về tiền bạc, tình bạn hay tình yêu... Thế nhưng, những yếu tố này xuất hiện còn rất mờ nhạt trong dự án của Tien M. Nguyen.

Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu chới với trước cột mốc doanh thu 25 tỷ đồng.

Khán giả không còn dễ dãi với tiếng cười

Nếu để chỉ ra điểm nổi bật trong Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu, đó không gì khác ngoài tính giải trí. Không khó để nhận ra biên kịch đã cường điệu hóa câu chuyện và tính cách các nhân vật trong phim với mục đích duy nhất: chọc cười khán giả.

Đó là một cô họa sĩ manga hướng nội với những khoảnh khắc vô tri, một cô diễn viên cả đời chỉ được đóng vai quần chúng, một cô nàng nóng nảy “đụng là trụng” cùng ông anh hành nghề 2 ngón phải ngồi tù vì sự cố đáng quên...

Ở phe phản diện, người xem được chứng kiến một gã lừa đảo điển trai với tài thao túng tâm lý, từng đi lừa tiền tỷ của biết bao người để rồi bị qua mặt bởi màn hóa trang không thể đơn giản hơn. Thay vì khiến người xem cảm thấy áp lực vì sự ranh ma xảo quyệt, phản diện hiện lên là một gã ngớ ngẩn, “đa cấp” và dễ bị dắt mũi.

Vì đặt nặng tính giải trí, thứ đạo diễn quan tâm là việc làm khán giả bật cười. Lối diễn “ô dề” và các tình tiết nhảm được tận dụng bất chấp, cố gắng khiến người xem quên đi câu chuyện lộ điểm hở sườn ngày một nhiều trong phim. Cực chẳng đã, chiêu bài này không phát huy mấy tác dụng. Bởi khán giả nay chẳng còn dễ dãi như xưa.

Nhìn qua bảng tổng sắp phim Việt ăn khách nhất lịch sử, dễ dàng nhận ra hài luôn là thể loại chiếm ưu thế. Trong 10 phim điện ảnh nội địa có doanh thu cao nhất, có tới 7 tác phẩm chứa yếu tố hài. Song, hài không phải kim bài miễn tử cho các dự án điện ảnh. Chỉ chọc cười người xem là chưa đủ, vì thứ họ cần cho mỗi lần xuống tiền mua vé là nội dung ấn tượng, để lại cảm xúc sau khi bước chân khỏi rạp. Và rõ ràng Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu chưa làm tốt điều này.

Thể loại hài đơn thuần không còn đủ sức níu chân khán giả.

Trước Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu, một phim Việt khác cũng nhận về cái kết tương tự là Live: Phát trực tiếp. Dự án có sự góp mặt của nhiều cái tên hot cùng dàn TikToker đình đám, nhưng nhận lại sự ghẻ lạnh từ khán giả vì... nhạt và nhảm. Thực tế cho thấy, những gương mặt được yêu thích chỉ đóng một phần vai trò, chất lượng mới là yếu tố then chốt quyết định cảm tình của khán giả dành cho tác phẩm.

Chưa kể, việc ra rạp cùng lúc với phim ngoại Aquaman 2, lại trong thời kỳ thịnh vượng của thể loại kinh dị khiến sự chú ý dành cho bộ phim của Tien M. Nguyen bị san sẻ đáng kể.

Theo Zing News