Điện ảnh

Chuyên Mục

Tại sao 'Kẻ ăn hồn' không gây ấn tượng như 'Tết ở làng Địa Ngục'?


"Kẻ ăn hồn" khai thác tốt các chất liệu văn hóa dân gian và văn hóa tâm linh. Song, những hạn chế về kịch bản khiến chất lượng tác phẩm giảm đi trông thấy.


Kẻ ăn hồn - tiền truyện của series Tết ở làng Địa Ngục - đã càn quét mọi rạp chiếu kể từ khi ra mắt, thu về hơn 60 tỷ đồng sau 2 tuần công chiếu.

Tuy thành công trên mặt trận thương mại là vậy, song khó có thể xem đây là một tác phẩm tốt. Bởi, phim bộc lộ rất nhiều hạn chế trong kịch bản - khía cạnh được coi là “xương sống” của một tác phẩm điện ảnh.

Cấu trúc chương hồi chưa đảm bảo

Kẻ ăn hồn khởi đầu bằng một sự kiện trong quá khứ, giới thiệu về căn bệnh mồ hôi máu cùng hiểm họa đến từ người đàn bà bí ẩn. Ngay sau đó, bối cảnh phim hiện ra qua những lời kể vắn tắt của đạo diễn Trần Hữu Tấn. Đây là cách mở đầu an toàn, song vẫn cho khán giả lượng thông tin vừa đủ để bước vào thế giới phim.

Tuy nhiên, kể từ khi bước vào phân đoạn đám cưới chuột, phim nhanh chóng đánh mất mạch giới thiệu ban đầu. Phân đoạn này thực hiện xen kẽ hai nhiệm vụ cùng lúc, một mặt phát triển mối hiểm họa ở làng Địa Ngục, mặt khác giới thiệu hầu hết tuyến nhân vật sẽ xuất hiện.

Việc nhồi nhét quá nhiều thông tin khiến hồi đầu trở nên lê thê, thiếu điểm nhấn cụ thể. Phong, nhân vật chính của phim, bị chìm nghỉm giữa các tuyến nhân vật khác. Cô khá bị động, không có bất kỳ lời thoại nào thể hiện cá tính bản thân.

Phân cảnh đám cưới chuột không đóng góp nhiều vào câu chuyện.

Đến hồi hai, đạo diễn chủ động dàn dựng câu chuyện dựa trên những cái chết bí ẩn. Cứ mỗi người ngã xuống, nhân vật chính lại thêm một lần đối diện với nỗi đau của những người còn sống. Cũng từ đó, uẩn ức được tích tụ dần ở làng Địa Ngục, chuẩn bị cho cú nổ cao trào hồi cuối phim. Tuy nhiên, việc sắp đặt tình tiết lặp lại nhiều lần khiến nó trở nên nhàm chán và dễ đoán, tạo cảm giác mệt mỏi cho khán giả.

Những cái chết trong phim tỏ ra thiếu tính liên kết với nhân vật chính. Có cảm giác, Phong và dân làng Địa Ngục đang đi trên hai hành trình khác nhau. Những cái chết không tác động quá nhiều đến Phong. Ngược lại, cô cũng không thể làm gì giúp người dân ở đây.

Sau cái chết thứ tư, lúc này, mọi tội lỗi được đổ xuống gia đình nhân vật chính. Cũng từ đây, hồi cuối mở ra, các nút thắt được gỡ dần và có cả cú plot-twist về kẻ đứng sau mọi chuyện. Tuy nhiên vì tình tiết hồi 2 chưa hiệu quả, các nút thắt còn nhiều kẽ hở dẫn đến việc gỡ nút bị sượng, thiếu thuyết phục.

Thêm vào đó, việc hồi hai phim có quá nhiều chi tiết vụn, xuất hiện rồi đột ngột biến mất cũng gây khó khăn cho việc theo dõi hồi ba. Bởi lúc này, khi mọi thứ được quy về một mối, khán giả bị bối rối vì có quá nhiều chi tiết mình không nhớ đã xuất hiện từ trước.

Kịch bản ôm đồm tình tiết nhưng bỏ quên nhân vật

Một trong số điểm trừ khó thể bỏ qua trong kịch bản Kẻ ăn hồn là việc xây dựng nhân vật.

Kịch bản Kẻ ăn hồn quá ôm đồm với nhiều chi tiết dư thừa.

Phong, ở vai trò là nhân vật chính, được xây dựng dựa trên kiểu mẫu nhân vật anh hùng, gánh vác trọng trách đẩy lùi cái ác ở làng Địa Ngục. Tuy nhiên, hành trình của nhân vật này chưa đủ thuyết phục do còn mang tính đơn biến, thiếu va chạm, chưa phải trải qua nhiều thử thách để đạt tới tính anh hùng ở cuối phim.

Xung đột nội tâm được thiết lập với việc cô nghi ngờ chính bản thân là thủ phạm giết hại dân làng. Chi tiết này tuy xuất hiện nhưng chưa được khai thác kỹ, chỉ hiện lên đúng một lần cho có.

Hai nhân vật còn lại là Sang và Khảm đều được xây dựng mờ nhạt, đặc biệt là Khảm. Phần lớn thời lượng phim, anh hoàn toàn không đóng góp nhiều cho cốt truyện cũng như tác động đến chuyển biến tâm lý của nữ chính.

Mối quan hệ của vợ chồng Phong - Sang cũng không được làm nổi bật, khiến khán giả khó cảm nhận được tình yêu mà họ dành cho nhau. Điều này là điểm trừ lớn bởi nó khiến cú plot-twist cuối phim trở nên kém hiệu quả.

Dàn nhân vật phụ như dân làng cũng chưa được xây dựng một cách thuyết phục. Họ bị động đến mức thái quá, không có động thái phản kháng trước thế lực đang ám hại dân làng. Tình tiết người dân quay sang đổ hết trách nhiệm lên ông trưởng làng là một ý đồ cài cắm về bản chất con người, song thông điệp này lại có phần khiên cưỡng, thiếu logic.

Các tuyến nhân vật trong phim được xây dựng khá hời hợt.

Cuối cùng, một điểm trừ khác của Kẻ ăn hồn nằm ở việc ôm đồm quá nhiều tình tiết. Từ cảnh mở đầu, tác phẩm đặt điểm nhấn vào chuyện tình nhùng nhằng của bộ ba Phong-Sang-Khảm. Sau đó, phim tiếp tục cài cắm chi tiết về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa, câu chuyện bản chất con người, câu chuyện của Thập Nương và băng cướp Địa Ngục hay câu chuyện của gia đình Sang...

Dù biết không phải mâu thuẫn nào cũng dẫn đến xung đột và cần giải quyết một cách triệt để. Nhưng, việc ôm đồm tình tiết khiến Kẻ ăn hồn bỏ ngỏ rất nhiều vấn đề, thậm chí còn khiến phim thiếu đi một thông điệp rõ ràng.

Có lẽ, tiếc nuối là cảm xúc chung của người xem sau khi Kẻ ăn hồn khép lại. Phim đã xây dựng được một thế giới thú vị, với tà thuật, ma quỷ và những quy tắc vận hành nhất định. Chưa kể, chất liệu văn hóa dân gian và yếu tố tâm linh như đám cưới chuột, đò chở vong, các bài vè, rối nước… cũng tạo nên nét riêng biệt cho tác phẩm. Ngoài ra, Kẻ ăn hồn còn có cú “chạy đà” hoàn hảo bằng series truyền hình gây tiếng vang trước đó. Đây đều là những tiềm năng mà không phải dự án kinh dị nội địa nào cũng có được.

Nếu kịch bản được hoàn thiện hơn, có lẽ Kẻ ăn hồn đã trở thành một tác phẩm có chất lượng nổi bật so với mặt bằng chung.

Theo Zing News