USA UK

Chuyên Mục

Kenny G - lãng tử tóc xoăn chơi saxophone


Kenny G - nghệ sĩ sắp tái ngộ khán giả trong concert ở Hà Nội - lôi cuốn người nghe với kỹ thuật chơi saxophone giàu cảm xúc, không hoa mỹ.


Nghệ sĩ sẽ trình diễn trong concert Good Morning Vietnam, ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, ngày 14/11, theo lời mời của báo Nhân Dân. Ông sẽ chơi lại nhiều hit làm nên tên tuổi như Forever in Love, Songbird, Love’s Theme, Havana. Các bản nhạc được phối mới, phù hợp gu nghe nhạc người Việt. Ngoài ra, ông đang nghiên cứu chuyển soạn một bản dân ca Việt Nam sang phong cách jazz.

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh nhớ những năm 1990, âm nhạc của Kenny G phổ biến trong nước, được bật khắp mọi nơi, trong đám cưới, siêu thị, các cửa hàng cho đến quán cà phê.

"Âm nhạc của Kenny G dễ nghe, chinh phục khán giả ngay từ những nốt đầu tiên bởi âm điệu dịu dàng, sâu lắng. Ngoài ra, ông luyện được kỹ thuật lấy hơi từ mũi vào miệng, thổi ra làn hơi rất dài trên kèn. Kenny G không phải nghệ sĩ đạt đến đỉnh cao của jazz nhưng lại chinh phục nhiều tầng lớp khán giả đại chúng", nghệ sĩ Quyền Văn Minh nói.

Kenny G ở tuổi 67. Ảnh: Facebook Kenny G

Theo People, Với 75 triệu đĩa bán ra, Kenny G là nghệ sĩ khí nhạc nổi tiếng nhất mọi thời, có thành tích sánh ngang nhiều tên tuổi như Bob Marley, Robbie Williams và nhóm Green Day. Trong nhiều thập niên, âm nhạc của Kenny G đi từ kệ đĩa đến các tòa nhà văn phòng, trung tâm mua sắm trên thế giới. Ở Trung Quốc năm 1990, bài Going Home của ông được phát vào cuối ngày làm việc, như một dấu hiệu báo đến giờ tan sở. Các chuyến tàu điện ở Thượng Hải, Thiên Tân và nhiều thành phố cũng phát nhạc của ông.

Clive Davis - chủ tịch Arista Records - nói: "Thành công của Kenny G thực sự đặc biệt, mang tính lịch sử. Ông vượt qua nhiều đánh giá tiêu cực từ giới phê bình, trở thành nghệ sĩ được yêu thích trên toàn thế giới. Ông đạt được kỷ lục trong môi trường truyền thông không hề thuận lợi cho những người chơi nhạc cụ".

Con đường âm nhạc của Kenny G không trải hoa hồng. Ông lớn lên trong gia đình làm kinh doanh ở Seattle, Mỹ, chơi nhạc từ năm 10 tuổi, sau một lần nghe saxophone trên tivi. Nghệ sĩ ra album đầu tay năm 26 tuổi, nổi tiếng khi chơi bài Songbird trong talkshow của Johnny Carson, năm 1986.

Ông tập trung vào giai điệu mềm mại, du dương, thay vì những đoạn ngẫu hứng đặc trưng của jazz. Điệu kèn da diết, uyển chuyển, mang tính xoa dịu, chữa lành, khác biệt jazz truyền thống với những nghịch âm phức tạp.

"Chân thành, cảm động" (heartfelt) là từ Kenny G thường dùng để miêu tả triết lý âm nhạc của mình. Thay vì khiến khán giả choáng ngợp vì kỹ thuật điêu luyện, ông chỉ muốn đi vào trái tim họ một cách đơn giản.

Nhưng chính việc pop hóa jazz, phá vỡ ranh giới giữa jazz sang trọng, truyền thống và các thể loại nhạc đại chúng, từng khiến Kenny G trở thành nỗi hoài nghi của giới hàn lâm. Nhiều chuyên gia âm nhạc đặt câu hỏi các bài hát của ông có thực sự là jazz.

Ông nói: "Năm đầu tiên tôi chơi, người ta đánh giá 'Thật là một âm thanh mới mẻ'. Năm tiếp theo, khi hàng triệu đĩa hát được bán hết, một nhà phê bình viết 'Anh ta đã trở thành một nghệ sĩ thương mại'. Tôi không nghĩ có nghệ sĩ nào lại không muốn bán được nhiều đĩa. Và nếu như vậy là mang tính thương mại, thì có lẽ là do nhiều người thích nó". Sau cùng, họ đã dùng thuật ngữ "smooth jazz" để nói về nhạc của ông.

Trong phim tài liệu Listening to Kenny G (HBO sản xuất năm 2021), khi được hỏi "Ông chịu ảnh hưởng thế nào bởi những người đi trước?", nghệ sĩ đáp: "John Coltrane hay Charlie Parker, kỹ thuật của họ thật phi thường. Nhưng kiểu âm nhạc như vậy chưa bao giờ khiến tôi rung động. Vậy nên đó không phải thứ tôi muốn sao chép".

Thập niên 1990, ông thường kết hợp với những biểu tượng nhạc pop hoặc R&B trong các ca khúc như How Could An Angel Broke My Heart (với Toni Braxton), Everytime I Close My Eyes (với Babyface), By The Time This Night Is Over (với Peabo Bryson). Tiếng kèn của Kenny G nâng đỡ, quấn quýt tiếng hát của ca sĩ, tạo ra các bản nhạc tình êm dịu.

Có tư duy cởi mở, Kenny G còn hợp tác rapper Kenny West trong bài Use This Gospel và The Weeknd (In Your Eyes). Ông cũng xuất hiện trong video Last Friday Night (T.G.I.F) của Katy Perry với vai "chú Kenny". Nghệ sĩ chơi saxophone trên sân thượng trong buổi tiệc của bạn bè cháu gái.

Một trong những "đặc sản" trong các đêm nhạc của Kenny G là phần biểu diễn một nốt nhạc duy nhất trong thời gian dài. Ông được sách kỷ lục Guinness công nhận là nghệ sĩ saxophone chơi được một nốt dài nhất, khi chơi Mi giáng trong 45 phút liền. Dù không phải kỹ thuật chơi saxophone chính thức, cách ông thổi và giữ được hơi lâu vẫn khiến khán giả ngưỡng mộ, phấn khích.

Ở tuổi 67, Kenny G vẫn miệt mài sáng tạo, luyện tập bốn giờ mỗi ngày và ra album mới đều đặn. Ông cho biết chưa từng nghĩ đến chuyện "nghỉ hưu", chỉ dừng chơi kèn khi sức khỏe không cho phép. Ông nói trên People năm 2022: "Tôi không cố tỏ ra tự cao nhưng tôi nghĩ rằng khi bạn tạo ra thứ gì đó có chất lượng tuyệt vời, bạn sẽ trường tồn với thời gian".

Concert Kenny G ở Hà Nội thuộc chuyến lưu diễn Miracles Holiday & Hits Tour, chủ yếu ở Mỹ và một số nước châu Á. Ông lần đầu đến Việt Nam năm 2018, trong tour lưu diễn quảng bá cho album Brazilian Nights. Khi ấy, nghệ sĩ gây thiện cảm với khán giả nhờ tài nghệ thổi saxophone điêu luyện, cách nói chuyện hóm hỉnh. Với khán giả Việt, các bản nhạc của Kenny G thịnh hành từ những năm 1990, được thế hệ 7x, 8x yêu thích.

Nghệ sĩ tên thật là Kenneth Bruce Gorelick, sinh ra ở Seattle, Washington, Mỹ. Ông có hàng trăm bản nhạc saxophone làm lay động trái tim khán giả. Năm 1994, ông giành giải Grammy cho Tác phẩm khí nhạc xuất sắc, với Forever in Love. Năm 1997, ông được gắn tên trên Đại lộ Danh vọng Hollywood.

VnExpress