Điện ảnh

Chuyên Mục

Phim Đát Kỷ - Trụ Vương lội ngược dòng ở phòng vé


"Phong Thần", phim về Đát Kỷ - Trụ Vương, ế khách khi mới ra mắt nhưng vươn lên dẫn đầu doanh thu sau đó.


Tác phẩm thể loại thần thoại, sử thi chiếu ở rạp Trung Quốc từ ngày 20/7. Trước khi ra mắt, phim không được nhiều khán giả chờ đợi. Theo Bejing Daily, ban đầu không ít người cho rằng nội dung phim cũ kỹ, diễn viên đóng Đát Kỷ không quyến rũ. Những ngày đầu công chiếu, phim kém nổi bật ở phòng vé, suất chiếu ít. Nhiều blogger dự đoán tác phẩm lỗ vốn nặng khi được đầu tư tới 3 tỷ nhân dân tệ (420 triệu USD - mức đầu tư cho ba phần phim, hiện mới chiếu một phần).

Tuy nhiên, sau một tuần ra mắt, tác phẩm lội ngược dòng, dẫn đầu doanh thu 10 ngày liên tiếp, đến nay đạt 1,8 tỷ nhân dân tệ (251 triệu USD). Theo hãng nghiên cứu thị trường Maoyan, doanh thu phần một sẽ vượt 2,4 tỷ nhân dân tệ (333 triệu USD).

Theo Beijing Daily, thành tích của phim ở phòng vé cũng kịch tính như chính tác phẩm. Hai phần tiếp của Phong Thần chưa được xử lý hậu kỳ, với mức doanh thu này, êkíp đang đẩy nhanh tiến độ để công chiếu.

Cây viết Viên Vân Nhi nhận định phần một chưa thực sự bứt phá song đã tạo cú hích, gây ấn tượng tốt với khán giả. Về quy mô thực hiện và độ khó, tác phẩm đạt mức cao nhất trong lịch sử sản xuất phim Hoa ngữ. Phong Thần được giới làm phim đánh giá là thử nghiệm thành công trong lĩnh vực sản xuất phim sử thi Trung Quốc.

Dàn diễn viên nam ở "Phong thần" phần một được khen rắn rỏi, dũng mãnh. Ảnh: Mtime

Phim tạo hiệu ứng truyền miệng tốt nhờ lối kể chuyện vừa quen vừa lạ, súc tích, dễ hiểu. Kịch bản do hai cha con Nhiễm Bình và Nhiễm Giáp Nam viết trong bốn năm, kể từ 2014. Cả hai đều giàu kinh nghiệm, trong đó Nhiễm Bình từng biên kịch Thủy Hử 1998.

Sau khi hoàn thành bản thảo, đạo diễn Ngô Nhĩ Thiện và nhà sản xuất Giang Chí Cường gửi cho các công ty nghiên cứu thị trường phân tích. Khi nhận được kết quả, êkíp mới biết hóa ra lớp khán giả 9x, khán giả sinh sau năm 2000 phần lớn chưa đọc nguyên tác Phong Thần diễn nghĩa, không biết nhiều nhân vật cơ bản trong truyện như Hoàng Phi Hổ, Thổ Hành Tôn...

Sau các cuộc thảo luận, Ngô Nhĩ Thiện cho rằng nên làm phim theo hướng thần thoại, sử thi, kể chuyện tập trung vào các nhân vật quan trọng. Êkíp xác định trục phim xoay quanh Trụ Vương, Đát Kỷ, Khương Tử Nha, Ân Giao và Cơ Phát. Ngô Nhĩ Thiện yêu cầu biên kịch cải biên thành ba phần, sao cho mỗi phần có thể đứng độc lập vừa có thể liên kết với nhau.

Yếu tố "lạ" nằm ở cách khai thác nhân vật khác biệt so với tất cả phim cũ về đề tài Phong Thần. Trong ấn tượng của nhiều người, Trụ Vương và Đát Kỷ, một kẻ bạo tàn ngu muội, một kẻ hồng nhan họa thủy. Biên kịch cho rằng nếu chỉ miêu tả nhân vật theo hướng này, phim sẽ lạc hậu.

Ở tác phẩm, Đát Kỷ vốn là yêu tinh cáo bị nhốt dưới núi, Trụ Vương vô tình giải cứu Đát Kỷ, sau đó Đát Kỷ tìm Trụ Vương để báo ân. Trong phim, Đát Kỷ là hiện thân cho dục vọng của Trụ Vương. Đát Kỷ phiên bản mới mang các đặc trưng của loài cáo, như bò bốn chân, vểnh tai nghe, có lúc ngây thơ, có lúc quyến rũ.

Dàn diễn viên được phần lớn khán giả đánh giá chất lượng, diễn xuất tốt, ngoại hình phù hợp nhân vật. Những người đóng chính đều trải qua quá trình đào tạo trên sáu tháng trước khi nhập vai. Tài tử Phí Tường thường phải dậy lúc 3h để tập gym, nhằm duy trì sự rắn rỏi trong một năm rưỡi ghi hình.

Người đẹp Nga Naran tập đàn cổ, nghiên cứu thói quen của loài cáo để hóa thân Đát Kỷ. Tài tử trẻ Vu Thích khổ luyện bắn cung, cưỡi ngựa để có thể tự thể hiện những cảnh bỏ dây cương, bắn cung trên lưng ngựa. Sau khi phim công chiếu, Vu Thích hút fan, được khen dũng mãnh như một chiến binh.

Bên cạnh lối kể chuyện và diễn xuất, hình thức thể hiện phim được giới chuyên môn khen ngợi. Các cảnh quay kiến trúc cổ đại, trường đoạn giao đấu toát lên sự hoành tráng, hùng vỹ. Theo China News, kỹ xảo có đoạn tinh tế nhưng có chỗ còn sơ sài, dù vậy những thiếu sót nằm trong giới hạn chấp nhận được. Trang này đánh giá tác phẩm không hoàn hảo nhưng đáng xem.

Theo Vnexpess