Đâu rồi thời huy hoàng Thanos
Phim siêu anh hùng đang "lạm phát", với chất lượng ngày càng sụt giảm. Một yếu tố khiến dòng phim này đánh mất sức hút là do biên kịch xây dựng tuyến phản diện kém hiệu quả.
Kể từ khi đặt chân lên màn ảnh, thể loại phim siêu anh hùng (superhero movie) ngày càng nhận được nhiều sự chú ý của khán giả. Theo nhận xét của Filmink, “các siêu anh hùng luôn là một chủ đề nổi bật trong tấm thảm văn hóa đại chúng đầy màu sắc”. Nó phản ánh những mặt tối trong xã hội, đồng thời phóng đẩy ước mơ, hoài bão của con người tới một tầm cao mới.
Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi những nhân vật như Iron Man, Spider-man, Batman, Superman,... ngày càng có tên tuổi, được phổ biến tới nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới. Dưới bàn tay của xưởng phim lớn như Marvel hay DC, phim siêu anh hùng trở thành những món ăn đắt đỏ bậc nhất lịch sử điện ảnh, với kinh phí sản xuất khổng lồ. Nhưng mấy ai ngờ, lại có lúc bữa tiệc xa hoa này bị khán giả ghẻ lạnh, từ chối.
Khi siêu anh hùng... hụt hơi
Thời hoàng kim của dòng phim siêu anh hùng đã qua. Kết luận này dù khó chấp nhận, nhưng lại là sự thật.
Với sự phát triển không ngừng của vũ trụ Marvel và DC, số lượng phim điện ảnh hay truyền hình về đề tài này tăng nhanh chóng mặt. Tính đến nay, đã có tới 31 phim thuộc MCU và 12 phim thuộc DCEU, chưa kể rất nhiều dự án lẻ khác.
Trong năm 2023, MCU chào đón 9 dự án mới. Theo tiết lộ của Cnet, có đến 12 dự án điện ảnh trong Giai đoạn 5 và 6 của MCU. Ngoài ra, có khoảng 7 series truyền hình chỉ tính riêng trong Giai đoạn 5.
Đối thủ của Marvel - DC, cũng đang rục rịch tái khởi động theo quy mô lớn. Có ít nhất hàng chục bộ phim và chương trình truyền hình mới trong đợt cải tổ này. Chưa bàn tới nội dung, chỉ riêng số lượng của chúng cũng đủ khiến khán giả hoài nghi.
Số lượng ngày càng nhiều là thế, nhưng thực tế, phim siêu anh hùng không được hưởng ứng mạnh mẽ như xưa. Đặc biệt, kể từ khi đại dịch Covid-19 khiến nền điện ảnh thế giới rơi vào tình trạng trì trệ, thể loại này càng dễ đánh mất sự chú ý của khán giả.
MCU hay DCEU đều lần lượt chìm vào khủng hoảng với loạt phim thảm họa. Dù sở hữu dàn diễn viên hạng A, cùng nhiều chiêu quảng bá, phim siêu anh hùng cũng thất bại trong việc kéo lại sự quan tâm của người xem.
Trong khoảng thời gian 2021-2022, nhà Marvel chỉ có Spider-man: No Way Home ghi nhận doanh thu 1,91 tỷ USD. Các dự án còn lại đều dừng chân trước cột mốc 1 tỷ USD doanh thu phòng vé. Bộ phim đầu tiên trong năm 2023 - Quantumania dù được quảng bá tích cực nhưng rốt cuộc lại là thất bại kế tiếp của hãng. Phim bị giới phê bình chỉ trích, khán giả cũng thờ ơ nên đối diện nguy cơ thua lỗ cao.
Tương tự, Shazam 2 - phát súng mở màn 2023 của DC cũng bị đại chúng ghẻ lạnh. Tính đến ngày 28/3, dự án này mới thu về 102 triệu USD. Việc bộ phim của David F. Sandberg trở thành “bom xịt” phòng vé cũng không phải điều bất ngờ. Ông thậm chí còn “hờn dỗi” khán giả và tuyên bố chia tay dòng phim siêu anh hùng.
Qua rồi một thời của những siêu bom tấn
Sự hụt hơi của thể loại phim từng ăn khách nhất nhì thế giới khiến giới làm phim đau đầu đi tìm nguyên nhân. Có nhiều lời giải thích được đưa ra, từ việc “lạm phát siêu anh hùng” dễ gây mệt mỏi cho tới thực trạng thay đổi hình thức trải nghiệm của khán giả,...
Theo một cuộc khảo sát của Morningconsult, trong khoảng 9 tháng kể từ cuối năm 2021 tới giữa năm 2022, tỷ lệ thượng đế yêu thích dòng phim siêu anh hùng đã giảm đáng kể. Ngay cả các fan của dòng phim này cũng không phải ngoại lệ. Hệ lụy, doanh thu phim sụt giảm là điều dễ đoán.
Ngoại trừ No Way Home, hay miễn cưỡng tính cả Dr. Strange 2 và Black Panther 2, không có phim siêu anh hùng nào sau thời thời kỳ đại dịch có sức hút mạnh mẽ như trước.
Theo Murphy's Multiverse, thời đỉnh cao của Marvel đã “một đi không trở lại”. Infinity Saga vẫn là một tượng đài khó thể vượt qua, đặc biệt là Giai đoạn 3 với Infinity War (2018) và Endgame (2019). Trong thời gian này, Marvel khiến hàng triệu người phải sốt sắng chờ đợi, chỉ với một vài phim rải rác mỗi năm.
Những sự kiện hay kể cả là nhân vật khách mời đều đắt giá, kích thích hứng thú của đông đảo khán giả. Chúng tạo ra những “khoảnh khắc biểu tượng”, điều mà những dự án về sau còn thiếu. Kể từ khi MCU ra mắt bộ phim đầu tiên năm 2008, nhiều thương hiệu siêu anh hùng đã “nhẵn mặt” với thượng đế màn ảnh, tiêu biểu như Iron Man, Captain America, Spider-man hay Thor,... Vậy nên, không khó hiểu khi những dự án quy tụ tất cả gương mặt này trở thành siêu bom tấn, như Infinity War (2,052 tỷ USD) hay Endgame (2,798 tỷ USD).
Tương tự, nhà DC cũng từng có thời huy hoàng với loạt phim được đánh giá cao như The Dark Knight của Christopher Nolan, hay những phim doanh thu vượt mốc tỷ USD như Aquaman, Joker. Hậu đại dịch, chỉ có The Batman chạm tay tới con số 770 triệu USD.
Các phản diện ngày càng “xuống giá”
Tuyến nhân vật phản diện luôn nắm giữ vị trí quan trọng trong các bộ phim. Đặc biệt với thể loại siêu anh hùng, vai trò này lại càng thiết yếu.
Theo Gizmodo, sự hiện diện của các phản diện trong phim siêu anh hùng tạo nên tính “tung hứng” cho chuỗi tình tiết. Bởi vậy, việc biên kịch tạo dựng câu chuyện hay xung quanh nhân vật này sẽ tạo nên sức hút không nhỏ. Cá biệt ở một số dự án, tuyến phản diện còn gây được chú ý nhiều hơn cả tuyến chính diện.
Với Marvel, Thanos là một ác nhân không thể thay thế, dù vũ trụ điện ảnh này ngày càng kéo dài. Tới nay, gã Titan điên vẫn được nhiều khán giả gọi bằng biệt danh “kẻ phản diện nguy hiểm nhất MCU”. Với tính cách thú vị và đầy chiều sâu, ngay cả lý tưởng cực đoan của gã cũng được một bộ phận không nhỏ khán giả tán thành. Màn trình diễn của Thanos trong Infinity War và Endgame cũng vì vậy mà trở nên ấn tượng.
Trước Thanos, Marvel còn có Hela (trong Thor: Ragnarok), Killmonger (trong Black Panther) hay Agatha Harkness (trong series WandaVision),... Cá biệt, Loki (do Tom Hiddleston thủ vai) còn là phản diện được yêu thích bậc nhất MCU. Những nhân vật này đều có điểm chung là chiều sâu nội tâm và tính cách, với động cơ đầy thuyết phục. Phản diện không nhất thiết phải là kẻ chỉ làm điều xấu. Mà đâu đó, khán giả có thể thấy họ đứng giữa lằn ranh đúng - sai.
Với DC, những phản diện như Joker (trong The Dark Knight) hay Joker trong bộ phim cùng tên năm 2019 đều là những tượng đài trong lòng đại chúng. Không chỉ có tính cách và hành động thú vị, diễn biến tâm lý của những nhân vật này cũng được đạo diễn chú ý trong phim.
Đây chính là điểm khác biệt lớn khá lớn với những phim siêu anh hùng trong giai đoạn hiện tại. Tuyến chính diện hụt hơi, trong khi tuyến phản diện không được khai thác hiệu quả. Thành ra, phim ít sức nặng, càng không tạo được sự kịch tính, căng thẳng với người xem.
Những “bom xịt” gần đây như Black Adam, Quantumania hay Shazam 2 đều đặt nặng yếu tố giải trí. Nhưng, biên kịch đã quên đi chất lượng của tuyến nhân vật phản diện. Hiển nhiên, tình tiết phim cũng thiếu chiều sâu, chưa tạo được thiện cảm với người xem.
- Cơn ác mộng của Hollywood (05-Jun-2024)
- 'Venom' tung trailer phần cuối (05-Jun-2024)
- Cạm bẫy ‘sống ảo’ (03-Jun-2024)
- 'The Garfield Movie' - mèo lười phiêu lưu (03-Jun-2024)
- Hoạt hình Doraemon lập kỷ lục rạp Việt (03-Jun-2024)
- Tiêu Chiến hợp tác với Hoắc Kiến Hoa trong phim điện ảnh mới (31-May-2024)
- Hoạt hình 'Moana' tái xuất (31-May-2024)
- 'Furiosa' có doanh thu mở màn kém (28-May-2024)
- Là nữ thần vạn người mê, nay Triệu Lộ Tư tự đạp đổ hình tượng chỉ bằng 1 hành động (28-May-2024)
- 'The 8 Show' gây sốt (23-May-2024)