Điện ảnh

Chuyên Mục

Lê Phương cứu ‘Vong nhi’


Diễn xuất của Lê Phương là điểm quan trọng giúp “Vong nhi” ít nhiều tạo được cảm xúc, dù ý tưởng phim còn đơn giản và kịch bản hạn chế.


Genre: Kinh dị, tâm lý
Director: Hoàng Tuấn Cường
Cast: Lê Phương, Quốc Huy, Lê Trang, Nhật Kim Anh
Rating: 6/10

(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Vong nhi đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường sau Nhà không bán (2022) – tác phẩm từng có cú lội ngược dòng vào mùa phim Tết 2022, đạt tổng doanh thu hơn 28 tỷ đồng (theo Box Office Vietnam).

Ở dự án trước, đạo diễn khai thác đề tài cũ nhưng vẫn gây chú ý khi mời được dàn diễn viên nổi tiếng gồm NSND Kim Xuân, Việt Hương, Hữu Tín, Nam Em,… Lần này, Lê Phương trở thành "át chủ bài", cộng thêm chủ đề mới mẻ, hợp thời hơn nên ít nhiều cũng tạo được sự tò mò nhất định.

Kịch bản lan man

Trong phim, Lê Phương vào vai Thảo – một bà nội trợ đang sống hạnh phúc cùng người chồng thành đạt Tùng (Quốc Huy) trong một biệt thự sang trọng. Hàng ngày cô gần như không phải làm gì, chỉ ở nhà hưởng thụ vì mọi thứ đã có người giúp việc Nụ (Lê Trang) chăm lo. Cuộc hôn nhân gần như hoàn hảo ngoại trừ việc hai vợ chồng chưa thể có con sau hơn 4 năm bên nhau.

Hơn 4 năm chung sống, Thảo (Lê Phương) khao khát có con với Tùng (Quốc Huy) nhưng chưa thể thực hiện.

Bi kịch bắt đầu khi Thảo dẫn em gái đến bệnh viện phá thai. Sau sự kiện, em gái cô dần rơi vào trầm cảm nặng, hàng ngày bị ám ảnh về đứa con đã mất. Về phần Thảo, nhân vật liên tục cảm thấy trong nhà có những sự kiện kỳ lạ, có liên quan đến thế lực tâm linh.

Nhan đề tác phẩm ám chỉ linh hồn của những đứa trẻ chưa được sinh ra, không được hưởng cuộc sống trọn vẹn của con người. Đó có thể là những em bé bị mất do người mẹ sảy thai hoặc chủ động nạo phá.

Dựa trên ý tưởng này, ê-kíp muốn xây dựng một câu chuyện có ý nghĩa nhân văn, dùng nỗi sợ để thức tỉnh người xem, từ đó lồng ghép thông điệp phê phán việc nạo phá thai bừa bãi, đặc biệt là ở người trẻ.

Chấp bút kịch bản là biên kịch Ngô Phạm và NSƯT Hạnh Thúy. Bộ đôi hơi tham lam, cài cắm quá nhiều tình tiết khiến câu chuyện trở nên nặng nề, đôi lúc dài dòng. Bên cạnh số phận của Thảo, phim còn lồng ghép nhiều nhân vật phụ khiến mạch truyện chính bị loãng.

Phim muốn mượn yếu tố kinh dị để tạo nên một câu chuyện có ý nghĩa.

Chẳng hạn như câu chuyện về bà Thuận (NSƯT Hạnh Thúy), người thường xuyên lui tới bệnh viện để khuyên các cô gái đừng phá thai, đồng thời sẵn sàng nhận những đứa bé vô tội về làm con nuôi. Ngoài ra còn có câu chuyện về bác sĩ sản khoa Phương (Nhật Kim Anh) – hiện có con nhỏ mắc bệnh ung thư, cận kề cái chết. Tất cả khiến thời lượng phim dài (117 phút), một số phân đoạn còn mang màu sắc phim truyền hình.

Yếu tố gây sợ còn ít

Thực tế, “vong nhi” hay “ma em bé” không phải là chủ đề quá xa lạ trong điện ảnh. Trên thế giới, từng có hàng loạt tác phẩm khai thác đề tài này như The Unborn (2009), The Unborn Child (2011), Unborn (2022),… Tại Việt Nam, đạo diễn Lê Văn Kiệt cũng từng thành công với dự án Ngôi nhà trong hẻm (2011) – Ngô Thanh Vân, Trần Bảo Sơn đóng chính.

So với các tác phẩm kinh dị khác, đạo diễn Hoàng Tuấn Cường không quá lạm dụng yếu tố gây sợ. Do đó, phim có thể tạo cảm giác chưa “ép phê” với những ai yêu thể loại này.

Nhào nặn tác phẩm, nhà làm phim kết hợp 2 tiểu thể loại gồm kinh dị siêu nhiên (supernatural horror) và kinh dị tâm lý (psychological horror). Đây vốn là cách làm quen thuộc và tương đối an toàn với những phim kinh dị chọn bối cảnh căn nhà ma ám. Bù lại, đạo diễn đầu tư tính toán với những cảnh kinh dị, thiết lập được sự rùng rợn cần thiết.

Các cảnh quay kinh dị trong phim còn ít, chưa thực sự tạo ấn tượng mạnh.

Trong Nhà không bán, đạo diễn Hoàng Tuấn Cường đặt bối cảnh tại một căn nhà cổ, ở miền quê xa xôi. Lần này anh thay đổi thành bối cảnh hiện đại, với phần lớn cảnh quay diễn ra trong biệt thự nơi hai vợ chồng Thảo sinh sống.

Như tác phẩm tiền nhiệm, nhà làm phim tận dụng tốt từng không gian để tạo cảm giác sợ hãi, từ cầu thang, phòng ngủ vợ chồng đến phòng em bé. Các vật dụng đơn giản như búp bê, đồ chơi con nít đều được sắp đặt hợp lý, ít nhiều tạo cảm giác lạnh gáy ở vài phân đoạn.

Đáng tiếc, ở cuối phim ê-kíp quá tham lam trong việc cài cắm cú twist khiến câu chuyện trở nên khiên cưỡng, thiếu tự nhiên.

Lê Phương cứu phim

Vào vai nhân vật chính, Lê Phương chứng tỏ được bản lĩnh lẫn kinh nghiệm diễn xuất lâu năm. Ngay từ những cảnh quay đầu tiên, cô thực sự nhập vai và thu hút từ ánh mắt đến biểu cảm.

Qua hóa thân của Lê Phương, Thảo hiện lên như một phụ nữ mạnh mẽ, không hề yếu đuối. Cô sẵn sàng đối diện với hồn ma thay vì trốn chạy, thậm chí chủ động tìm cách trấn áp nó. Chính yếu tố này giúp nhân vật không quá bị động dù bị ma ám.

Ở những cảnh kinh dị, Lê Phương tạo được cảm giác hồi hộp với gương mặt căng cứng, đôi mắt trợn tròn và cơ thể toát mồ hôi hột. Đôi lúc, kịch bản còn yếu và cách đạo diễn xây dựng cao trào còn đơn giản. Song, Lê Phương vẫn giúp tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn nhờ diễn xuất đa dạng, cuốn hút.

Càng về cuối phim, nữ diễn viên càng sống với nhân vật, mang lại nhiều cảm xúc cho phim. Giá như biên kịch xây dựng Thảo tốt hơn, khai thác sâu tâm lý, tính cách lẫn số phận nhân vật hơn nữa, có lẽ Lê Phương đã có một màn trình diễn ấn tượng trên màn ảnh rộng.

Diễn xuất của Lê Phương là điểm sáng, giúp tác phẩm hấp dẫn hơn.

Bên cạnh Lê Phương, dàn diễn viên trong phim đều ở mức tròn vai. Lê Trang tạo được tiếng cười vừa phải giúp phim giảm bớt không khí căng thẳng. Tuy nhiên, đôi lúc nhân vật xuất hiện hơi vô duyên và mô-típ có phần lặp lại.

Ngoài vai trò biên kịch, NSƯT Hạnh Thúy cũng “sắm” cho mình một vai nhỏ. Song, nhân vật vốn là dạng vai sở trường nên cô không tạo được bất ngờ. Bên cạnh đó, Nhật Kim Anh cũng được ưu ái nhiều đất diễn dù chỉ tham gia với tư cách khách mời. Đáng tiếc, nhân vật của cô liên tục xuất hiện nhưng số phận không được khai thác nhiều nên chưa tạo cảm xúc mạnh như Lê Phương.

Là phim kinh dị mở màn năm 2023, Vong nhi có thời điểm phát hành khá chênh vênh. Dự án ra mắt không lâu sau mùa phim Tết, nhất là cơn sốt Nhà bà Nữ vẫn chưa giảm sức hút. Chưa kể, chỉ còn một tuần nữa là mùa Valentine sẽ đến cùng sự xuất hiện của loạt tác phẩm mới. Khi ra rạp, phim còn cạnh tranh với nhiều đối thủ ngoại như M3gan, Babylon, Tiếng gõ ở căn nhà gỗ nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khán giả.

Nhìn chung, Vong nhi không phải là một tác phẩm quá tệ. Song, phim sẽ hấp dẫn hơn nếu có một kịch bản gãy gọn và chắc chắn. Dẫu sao, ê-kíp cũng thành công khi tạo nên một câu chuyện có ý nghĩa, hơn là xem chỉ để sợ.

Theo Zing News