Điện ảnh

Chuyên Mục

Cuộc chiến phòng vé giữa 'Thanh Sói' và 'Đảo độc đắc'


Cùng ra mắt vào 23/12, "Thanh Sói" và "Đảo độc đắc" bước vào cuộc chiến không khoan nhượng với doanh thu xấp xỉ nhau, thứ hạng thay đổi liên tục.


Vốn dự kiến ra mắt vào cuối năm, Thanh Sói: Cúc dại trong đêm đột ngột dời lịch chiếu sớm đẩy sức nóng phòng vé Việt những ngày Giáng Sinh lên đến đỉnh điểm. Phim của đạo diễn/ nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cạnh tranh cùng đồng hương Đảo độc đắc - Tử mẫu thiên linh cái (Lê Bình Giang đạo diễn). Không những thế, cả hai còn phải đối đầu với bom tấn nước ngoài Avatar 2 đang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Không có phim nội địa cạnh tranh, bộ đôi tác phẩm Việt dù khác thể loại vẫn bị khán giả đặt lên bàn cân, không ngừng so sánh. Trải qua 3 ngày cuối tuần nảy lửa, số liệu thu về từ các hệ thống rạp cho thấy Đảo độc đắc đang nhỉnh hơn đối thủ một chút khi số lượng suất chiếu ít hơn nhưng lại dẫn trước cuộc đua doanh thu.

Đảo độc đắc đang dẫn trước dù ít xuất chiếu hơn. Ảnh: Box Office Vietnam.

Mạo hiểm ra rạp khi "Avatar 2" đang bùng nổ

Có thể nói, việc chọn ra mắt vào thời điểm lễ Giáng Sinh sẽ hỗ trợ phần nào về doanh thu cho cả Thanh Sói và Đảo độc đắc, khi đánh vào thời điểm nhu cầu giải trí của khán giả tăng cao.

Đảo độc đắc và Thanh Sói ra rạp khi Avatar 2 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Lotte, Studio68.

Tuy nhiên, việc "quái vật" Avatar 2 chỉ vừa khởi chiếu được một tuần và sức nóng vẫn lan rộng đã vô tình dồn hai đại diện Việt Nam vào thế khó. Cả hai không chỉ phải vượt qua đối phương mà còn phải có sức bền tốt, mong mỏi trong khoảng một hoặc hai tuần tiếp theo sẽ có cơ hội vượt lên dẫn đầu phòng vé nội địa mùa cuối năm.

Từ góc nhìn khác, dù theo đuổi hai thể loại phim khác biệt hoàn toàn nhưng Đảo Độc Đắc và Thanh Sói đều có một bệ phóng tốt và thu hút sự quan tâm từ công chúng. Cả hai đều được phát triển từ sự nổi tiếng của tác phẩm tiền nhiệm, lần lượt là Thất sơn tâm linh và Hai Phượng.

Song, ưu thế này kéo theo những bất lợi đi cùng vì phim không chỉ phải vượt qua đối thủ hiện tại mà còn phải chứng minh sự tiến bộ, cải thiện nhằm xóa nhòa cái bóng lớn mà tác phẩm trước để lại trong lòng khán giả.

Chất lượng phim chênh lệch

Điểm tương đồng của hai cái tên lần này là cùng gắn mác 18+ khi chứa đựng nhiều cảnh bạo lực, máu me. Tiếp đến, Lê Bình Giang và Ngô Thanh Vân đều mát tay khi chọn lựa bối cảnh ấn tượng. Đảo độc đắc thiên về cảnh sắc biển đảo đẹp, núi rừng hùng vĩ ban ngày và sẵn sàng nuốt chửng con người về đêm. Bên còn lại đưa người xem như sống lại thập niên 90 với từng con hẻm nhỏ, phố phường náo nhiệt của Sài Gòn thời bấy giờ.

Đảo Độc Đắc theo đuổi thể loại kinh dị hài với màu phim sáng - tối được làm kỹ lưỡng và dễ theo dõi hơn hẳn so với các phim cùng thể loại do Việt Nam sản xuất. Yếu tố hài hước trong phim cũng hiện lên tự nhiên, tạo không khí vui nhộn.

Tuy nhiên, người xem có thể cảm nhận rõ đạo diễn vẫn còn tham chi tiết dẫn đến nội dung lan man, bối cảnh và động cơ đấu tranh và giết chóc xảy đến không rõ ràng. Điểm yếu lớn nhất trong Đảo độc đắc chính là phần kỹ xảo. Phần nhiều cảnh thiếu chân thật, một số đoạn không khác gì hiệu ứng trên các nền tảng mạng xã hội làm cho ý đồ nhà sản xuất trở nên khó hiểu.

Thanh Sói vượt trội hơn hẳn khi biết tập trung vào thế mạnh hành động của mình. Các phân đoạn đánh đấm, đối kháng diễn ra liên tục không chỉ căng thẳng mà còn kéo theo cảm giác hồi hộp, kích thích.

Góc quay trong phim cũng được chọn lọc tốt, hỗ trợ các động tác võ thuật thêm chuyên nghiệp, cách đi đòn thêm phần dứt khoát. Khuyết điểm của phim cũng nằm ở kỹ xảo, cụ thể là trường đoạn rượt đuổi bằng mô tô khi Bi - Thanh chạy trốn đàn em của Hải Chó Điên kém chân thật.

Về mặt diễn xuất, Đảo độc đắc vẫn lép vế hơn đối thủ. Nổi bật nhất là sự thay đổi trong hình ảnh lẫn tiến bộ về cách diễn tả cảm xúc của Trần Nghĩa trong vai Long. Tiếp đến là Minh Dự khi hóa thân thành Cường, một người vì tiền có thể trở nên mưu mô, bán rẻ tình bạn nhưng cũng không ít lần chọc cười khán giả qua lời thoại.

Các diễn viên còn lại như Sam, Trần Phong và Phương Lan đem đến cảm giác không khác biệt nhiều so với các vai diễn trước đây. Cuối cùng, nhân tố mới là Hoa hậu Tiểu Vy còn ngô nghê, cần nhiều nỗ lực trong việc thoại và lột tả cảm xúc bằng mắt.

Tuy nhiên, Thanh Sói hạn chế khá nhiều về kịch bản, câu chuyện. Đó cũng là một điểm trừ. Ngoài ra, nhiều chi tiết phim bị chê phi logic.

Kết quả khó đoán khi cuộc đua chỉ mới bắt đầu

Nếu tạm gác lại những so sánh về chất lượng thì Thanh Sói lẫn Đảo độc đắc đều có cho mình thị trường riêng trong thể loại phim đang theo đuổi. Không chỉ vậy, dàn diễn viên của hai phim đều có độ “nóng” và sức ảnh hưởng không nhỏ góp phần kéo thêm người ủng hộ.

Dựa trên số liệu từ Box Office Vienam, dù Thanh Sói là một tác phẩm có nhiều ưu điểm hơn, số lượng suất chiếu nhiều hơn với gần 3.000 suất so với 2.300 suất mà Đảo độc đắc sở hữu nhưng doanh thu 3 ngày cuối tuần vẫn xếp sau đối thủ. Đặc biệt, số lượng vé bán ra của Đảo độc đắc còn vượt hơn hẳn 10.000 vé, chứng tỏ lợi thế truyền thông và sự ủng hộ vẫn đang nghiêng về tác phẩm này.

Việc Thanh Sói thất thế dù thuận lợi về nhiều yếu tố là trường hợp đáng suy ngẫm đối với các nhà sản xuất phim. Ảnh: Studio68.

Thành tích khởi đầu của hai tựa phim Việt phần nào cho thấy thị hiếu của khán giả điện ảnh dần trở nên khó đoán. Thứ hạng của Thanh Sói và Đảo độc đắc tuy cùng xếp sau Avatar 2 nhưng lại liên tục có sự thay đổi, canh tranh nhau đến từng giờ và khó mà phân thắng bại ngay thời điểm này.

Theo Zing News