Điện ảnh

Chuyên Mục

'Tro tàn rực rỡ' - bi kịch những người vợ bị chồng ghẻ lạnh


"Tro tàn rực rỡ" - phim chuyển thể truyện Nguyễn Ngọc Tư - khắc họa nỗi đau của nữ chính khi bị chồng ruồng rẫy, yêu người khác.


Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ra rạp từ ngày 2/12, sau bảy năm ấp ủ. Dự án phim độc lập vừa đoạt giải cao nhất - Montgolfière d’or (Golden Balloon) - tại Liên hoan phim Ba châu lục cuối tháng 11 ở Pháp. Từ hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về, đạo diễn vẽ nên bức tranh số phận của "những con người đổ nát" (chữ của Nguyễn Ngọc Tư) trong xóm Thơm Rơm - làng chài miền Tây khốn khó.

Mạch chính là chuyện tình trái ngang của hai cặp vợ chồng trẻ trong xóm. Với Hậu (Bảo Ngọc Doling) và Dương (Lê Công Hoàng), hôn nhân là chuỗi tháng ngày bế tắc khi anh cưới chỉ vì cô lỡ mang bầu. Ngày rước dâu, ánh mắt anh chỉ hướng về Nhàn (Phương Anh Đào) - cô gái cùng xóm anh dành cả thanh xuân để yêu đơn phương. Nhàn những tưởng sẽ có một mái ấm bên Tam (Quang Tuấn) - người chồng hiền lành, chịu khó. Sau một biến cố tang thương, hạnh phúc với Nhàn và Tam cũng lụi tàn. Thời gian sau, căn nhà lợp lá của vợ chồng Nhàn liên tiếp bị phóng hỏa không rõ nguyên nhân.

Qua lời dẫn chuyện của Hậu, đạo diễn phác họa bi kịch của một người vợ bị chồng bạo hành tinh thần bằng sự thờ ơ, lãnh đạm. Nỗi đau ở Hậu đượm vị chua chát mỗi lần cô kể chuyện cho chồng nghe sau khi Dương đi biển biền biệt cả tháng mới về. Cô kể lại những đám cháy xảy ra ở nhà Nhàn, vì biết đó là chủ đề duy nhất chồng cô để tâm. Cô tự trào về khả năng nấu ăn của bản thân, về những lúc một mình lúi húi ép chuối phơi khô, như để lấy lòng thương từ chồng. Ghen với Nhàn, cô dấy lên niềm vui khó tả mỗi lần nhà Nhàn cháy, rồi tự dằn vặt khi thấy mình nhỏ nhen, ích kỷ.

Poster phim "Tro tàn rực rỡ". Ảnh: Thu Thương

Nếu Hậu - Dương là đôi vợ chồng đồng sàng dị mộng, Nhàn - Tam có số phận bất trắc. Sau nỗi đau tận cùng, tình cảm của Tam dành cho Nhàn nguội dần. Anh bị ám ảnh bởi lửa, tự dùng hộp quẹt đốt vào người. Lúc say mèm, anh quên mất sự tồn tại của vợ, chỉ khao khát vẻ đẹp của những đám cháy. Nhàn chỉ biết thu dọn những tàn tích sau mỗi trận hỏa hoạn, như gói ghém lại mảnh vỡ của một cuộc hôn nhân khó cứu vãn.

Phim lột tả nghịch cảnh của những người vợ sống cam chịu vì tình yêu. Từ thù ghét, Hậu quay sang đồng cảm với Nhàn vì hiểu được nỗi buồn "có chồng hờ hững cũng như không". Không ít lần, Hậu và Nhàn được những người xung quanh khuyên nên tự cứu mình khỏi bế tắc, nhưng họ vẫn chọn cách ở lại. Tác phẩm do đó mang đậm tính đối thoại với thông điệp: hạnh phúc là do chính bản thân nắm lấy.

Ngoài câu chuyện chính, mạch truyện phụ về mối quan hệ của Loan "khùng" (Hạnh Thúy) và ông Khang (Thạch Kim Long) cũng tạo màu sắc riêng. Sau nhiều năm ở tù, Khang trở về quê nhà, đối mặt với Loan - người phụ nữ ông từng hãm hại lúc còn là một bé gái. Qua những chén rượu uống cùng Khang, nỗi oán thù năm xưa dần phai nhạt, trong Loan chỉ còn lại sự cô quạnh của một người nửa điên nửa tỉnh.

Đa số dàn diễn viên trong tác phẩm đóng tròn trịa. Trút bỏ nét sắc sảo, Phương Anh Đào vào vai gái quê với vẻ ngoài hiền hậu. Cô có nhiều cảnh diễn nội tâm tinh tế, khiến người xem cảm nhận nỗi đau sâu thẳm của Nhàn khi biến cố ập đến. Bảo Ngọc tạo thiện cảm với nét đẹp trong sáng, biểu cảm vừa vặn, tự nhiên. Hạnh Thúy, Mai Thế Hiệp (vai thầy chùa), Quang Tuấn cũng làm nên sức hút tổng thể cho bộ phim.

Diễn viên Bảo Ngọc Doling chạm ngõ điện ảnh với vai chính trong phim. Ảnh: Thu Thương

Trở lại màn ảnh rộng sau 10 năm, Bùi Thạc Chuyên tiếp tục ghi dấu với ngôn ngữ điện ảnh đặc trưng. Anh chuyển tải chất văn lãng đãng buồn của Nguyễn Ngọc Tư vào những khung hình giàu thẩm mỹ, như mái chùa vắng trong cơn mưa tầm tã, chiếc xuồng máy lênh đênh trong sóng biển... Cảnh đám cháy - hình ảnh chủ đạo của tác phẩm - nhiều lần được khắc họa ấn tượng. Có lúc, góc camera di chuyển vào từng góc nhà cháy, lấy cận cảnh những bức ảnh gia đình Nhàn - Tam bị lửa nuốt chửng. Ánh sáng của lửa cũng làm bật lên tâm trạng nhân vật, như vẻ mặt háo hức của Tam lúc thấy nhà mình bị cháy trong đêm...

Đạo diễn đi sâu vào đời sống thường nhật của người địa phương bằng cách tái hiện bối cảnh. Những mái nhà lợp lá tạm bợ, cảnh người dân ép chuối phơi, khu chợ hải sản... hiện lên sống động qua màn ảnh rộng. Bùi Thạc Chuyên cho biết suốt bảy năm làm phim, mỗi năm anh vào Cà Mau vài lần để hiểu đời sống của dân bản địa, tìm cảm hứng làm phim. Anh lang thang qua nhiều làng nghề, sinh hoạt cùng dân chài, cùng họ ăn cơm, đánh cá. Có lúc, anh thức 3h để cùng một tàu cá ra biển, trải qua nhiều ngày lênh đênh.

Nhạc nền với âm hưởng truyền thống vang lên xuyên suốt phim, trở thành điểm nhấn. Những đoạn nhạc cải lương, đờn ca tài tử được đan cài tinh tế thay cho tâm trạng nhân vật.

Với thời lượng 117 phút, nhịp phim khá chậm, tạo nhiều quãng lặng với người xem. Tuy nhiên, phần thoại thiếu chất đời thường, mang nặng lối diễn giải của văn viết, đôi lúc gây cảm giác nặng nề, sáo rỗng. Giọng thoại của nữ chính Bảo Ngọc Doling - mang dòng máu Anh, Việt - còn đều đều, ít nhấn nhá, chưa thực sự đúng ngữ âm miền Tây.

Theo Vnexpess