Điện ảnh

Chuyên Mục

Phim 'Hạnh phúc máu' đuối ở diễn xuất


Phim kinh dị "Hạnh phúc máu" tạo bất ngờ ở khâu kịch bản nhưng thể hiện của một số diễn viên bị lên gân, mang chất kịch nói.


Tác phẩm dán nhãn 18+ (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi), do nghệ sĩ Kim Xuân đóng chính. Câu chuyện xoay quanh Vương Đình - một gia tộc chuyên thờ phụng thế lực tâm linh được gọi là Ơn trên. Bà Hà Phương (Kim Xuân) tin rằng tín ngưỡng này sẽ giúp gia đình bà thịnh vượng.

Biến cố ập đến khi Vĩnh An (Hữu Tiến) - con trai đầu của bà Phương - từ Mỹ về nước kế thừa quyền điều hành gia tộc. Lần lượt, từng thành viên trong Vương Đình chết một cách bí ẩn, theo phương thức ứng với yếu tố ngũ hành - kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Vĩnh An lên kế hoạch điều tra, dần phát hiện sự thật.

Kim Xuân (trái) bên Hữu Tiến - diễn viên kiêm đồng sản xuất phim. Ảnh: Galaxy

Tác phẩm tạo sức hút bước đầu nhờ phần kịch bản được chăm chút. Đạo diễn không kể chuyện theo tuyến tính thông thường mà đan xen giữa hai luồng thời gian - quá khứ và hiện tại. Lối dẫn dắt này giúp khán giả hình dung được bi kịch vốn bén rễ từ lâu, bủa vây nhiều thế hệ gia tộc Vương Đình. Khi mới làm dâu, bà Phương bị gieo rắc trong đầu suy nghĩ: Sinh con gái là tội ác. Từ đó, bà áp đặt tư tưởng trọng nam khinh nữ lên con cháu, cho rằng cô con gái bị tâm thần là do gia tộc bị trừng phạt. Khi án mạng xảy ra, bà chọn cách hành lễ để bài trừ điềm xấu, bấu víu đức tin với thần thánh.

Bước sang hồi hai, câu chuyện phát triển kịch tính hơn, phim chuyển từ thể loại giật gân, kỳ bí sang màu sắc trinh thám. Nhiều tình tiết ở đầu tác phẩm dần hé lộ, được giải thích khá hợp lý khi nhân vật Vĩnh An phát hiện loạt nghi vấn trong vụ án. Các vai chính lẫn phụ trong phim có câu chuyện riêng để từ đó, mỗi người đều trở thành nghi can. Là người đứng đầu gia tộc, bà Phương giấu một tội ác bắt nguồn từ quá khứ. Vĩnh An cũng dằn vặt bản thân bởi một sai lầm, nửa tìm cách chạy trốn, nửa nỗ lực hàn gắn vết thương. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch đánh giá kịch bản phim khá tốt so với những tác phẩm trong nước gần đây, có nhiều chi tiết được cài cắm lớp lang, cẩn thận.

Ở hồi cuối, phim dần đuối khi chân dung kẻ thủ ác bị phơi bày. Tác phẩm bắt đầu lộ nhiều điểm yếu trong diễn xuất ở các cảnh đào sâu nội tâm nhân vật. Kim Xuân là gương mặt hiếm hoi diễn tròn vai. Những chênh chao trong tâm lý Hà Phương được nghệ sĩ gạo cội khai thác vừa đủ, chừng mực, như cảnh bà phát hiện người gây ra mọi nguồn cơn tội lỗi.

Diễn viên Hữu Tài mắc lối diễn đậm màu sân khấu trong hồi cuối của phim. Ảnh: Galaxy

Các nhân vật còn lại mắc lỗi gượng gạo trong diễn xuất hoặc lên gân. Với vai điện ảnh đầu tay, Hữu Tiến thiếu khơi gợi cảm xúc, chưa đẩy được không khí trong các cảnh cao trào. Giọng thoại diễn viên đều đều, ít nhấn nhá, có lúc tạo hiệu ứng ngược. Trong buổi công chiếu sớm hôm 25/11 ở TP HCM, nhiều khán giả bật cười trước cảnh nhân vật Vĩnh An đề nghị mẹ báo công an khi phát hiện án mạng vì cách thoại còn ngô nghê.

Trác Thúy Miêu - vai Ánh Dao, cô Vĩnh An - có lối trò chuyện đậm màu sắc kịch nói. Hữu Tài tạo thiện cảm bước đầu với vai Thái Phong - người em tật nguyền hiền lành. Về cuối, lối diễn của anh trở nên cường điệu với biểu cảm lặp đi lặp lại: ánh mắt trợn trừng, giọng cười gằn.

Qua bàn tay đạo diễn Nguyễn Chung, bối cảnh được dàn dựng kỹ lưỡng với lối tư duy giàu chất điện ảnh. Đầu phim, không khí kỳ bí trong biệt thự cổ được giới thiệu bằng kỹ thuật quay one-shot (không cắt cảnh). Màu sắc trong phim đôi khi trở thành ngụ ý của đạo diễn. Ở cảnh nghi lễ cúng bái, không gian rực đỏ báo hiệu nguy hiểm kề cận. Không gian nhà cổ sử dụng nhiều gam màu lạnh như nâu trầm, xanh đậm, gợi cảm giác lạnh lẽo, bí hiểm.

Theo Vnexpess