Điện ảnh

Chuyên Mục

Lý do 'Virus cuồng loạn' là thảm họa điện ảnh Việt


Là phim Việt duy nhất ra rạp dịp này nhưng "Virus cuồng loạn" hiện mới thu được hơn 100 triệu đồng. Chuyên gia cho rằng tác phẩm thất bại vì "tư duy thiếu sáng tạo, ngô nghê".


Mùa phim nửa cuối năm 2022 chứng kiến hai cái tên mới mẻ, hứa hẹn thổi vào một làn gió lạ cho thể loại kinh dị vốn là điểm yếu của điện ảnh Việt.

Cù lao xác sống, do Nguyễn Thành Nam đạo diễn, ghi dấu là phim điện ảnh nội địa đầu tiên lựa chọn khai thác đề tài zombie. Ra mắt vào dịp lễ Quốc khánh, tác phẩm an toàn thu về gần 13 tỷ đồng rồi nhanh chóng rút lui khỏi rạp dưới áp lực dư luận.

Hai tháng sau đó, Virus cuồng loạn là “phát súng” tiếp theo mạo hiểm tấn công mảng phim kinh dị xác sống tại Việt Nam. Tác phẩm của đạo diễn trẻ Nguyễn Trần Nhất Duy một lần nữa gây thất vọng, hứng chịu nhiều lời công kích, chê bai thê thảm.

Khám phá một đề tài màu mỡ, hai dự án này hoàn toàn có cơ hội thắng lớn và “hốt bạc”. Dẫu vậy, chính sự cũ kỹ, cẩu thả trong tư duy sáng tạo khiến ê-kíp làm phim bỏ lỡ thời cơ hấp dẫn này.

Kịch bản ngô nghê, nhiều sạn và đi vào lối mòn

Không thể phủ nhận, điểm yếu lớn nhất của phim Việt bấy lâu nay vẫn nằm ở phần kịch bản. Cả hai dự án zombie của Nhất Duy và Thành Nam có thời lượng tương đối ngắn. Nếu Cù lao xác sống kéo dài hơn 90 phút, thì Virus cuồng loạn cũng chỉ dừng lại vỏn vẹn ở con số 73. Tuy nhiên, bộ đôi này đều có điểm chung là thất bại trong việc níu chân khán giả.

Là phim nội duy nhất ra rạp dịp lễ 2/9, Cù lao xác sống sở hữu lợi thế lớn khi hưởng trọn số lượng người Việt muốn xem phim Việt ở thời điểm này. Bằng chứng là tác phẩm gặt hái tới 10 tỷ đồng trong tuần mở màn, dù phải cạnh tranh trực tiếp với hàng chục phim ngoại đang “giễu võ dương oai” tại rạp.

Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, các thượng đế nhanh chóng phản hồi tiêu cực và tẩy chay dự án này. Một loạt ý kiến đánh giá trên các nền tảng mạng xã hội cho rằng chất lượng phim không tốt, từ nội dung, âm thanh, lời thoại, diễn xuất cho tới tạo hình, kỹ xảo,... Đặc biệt, kịch bản là điểm trừ lớn nhất trong tác phẩm tiên phong của Thành Nam.

Biên kịch non tay khiến Cù lao xác sống tồn đọng nhiều lỗi ngớ ngẩn, phi logic, thậm chí sa đà vào thể loại hài nhảm. Lại thêm một phim Việt dẫm phải lối mòn khi lồng ghép các yếu tố gây cười trong lời thoại hay hành động để khỏa lấp lỗ hổng cốt truyện. Đáng trách ở chỗ, các mảng miếng hài đã quá cũ kỹ, kém hiệu quả. Đôi khi, chúng còn tỏ ra vô duyên, phi nhân văn vì lợi dụng cộng đồng LGBT mua vui cho khán giả.

Được truyền thừa kinh nghiệm xương máu của đàn anh đi trước, tác phẩm của Nhất Duy cũng chẳng khá hơn là bao. Phân nửa thời lượng phim diễn ra, người xem vẫn chưa cảm nhận được sự thú vị hay chút sức hút nào. Cá biệt, Virus cuồng loạn còn không thể giới thiệu rõ ràng cốt truyện hay hệ thống tuyến nhân vật chính.

Kịch bản phim đơn giản đến ngô nghê nhưng cách xử lý lại khá dài dòng, lan man. Ê-kíp sản xuất vẽ ra một bức tranh với các sự kiện, tình tiết xáo trộn. Vì lẽ đó, chuyện phim không thông suốt, không thuyết phục, cũng không thể coi là một dự án điện ảnh trọn vẹn. Các hồi trong phim vừa rối rắm lại thiếu vắng những nút thắt cao trào. Thuộc thể loại kinh dị, thế nhưng Virus cuồng loạn trôi qua mà gần như không để lại bất kỳ cảm xúc sợ hãi hay hồi hộp nào.

Nội dung nhàm chán, thiếu ý tưởng sáng tạo

Với kịch bản còn nhiều sạn, Cù lao xác sống dĩ nhiên khó đem lại trải nghiệm điện ảnh thú vị cho người xem. Chuyện phim bắt đầu khi đại dịch xác sống tràn đến vùng quê miền Tây Nam Bộ. Mọi người đổ xô chạy trốn tới bến phà để nhận được sự trợ giúp của chính quyền. Trong tình cảnh đó, thầy thuốc Công (Huỳnh Đông) cùng cha và con gái tìm cách sinh tồn, thoát khỏi nanh vuốt của lũ zombie khát máu.

Nội dung phim nhạt nhẽo, thiếu cao trào.

Thực chất, bộ phim của Thành Nam có một số ý tưởng không tệ. Mở đầu phim tương đối tốt khi thiết lập được vấn đề hoàn chỉnh, ghi điểm với cách dẫn dắt trực tiếp, không dông dài. Thế nhưng, diễn biến nhạt nhẽo và nội dung thiếu chiều sâu khiến phim bị mất điểm nghiêm trọng.

Một trong những sai lầm của tác phẩm này là việc tham lam nhồi nhét nhiều tuyến nhân vật. Để rồi, thay vì tập trung vào hành trình sinh tồn khắc nghiệt khi zombie càn quét, phim có xu hướng trở thành một tác phẩm chính kịch, lồng ghép những thông điệp nhân văn gượng gạo, ít liên quan.

Chính vì thời lượng có hạn nhưng gây “ngộp thở” bởi số lượng nhân vật, Cù lao xác sống có nhiều vai diễn chết yểu do thiếu đất thể hiện. Đơn cử, thầy thuốc Công là nhân vật chính lại chưa có nhiều chiều sâu trong tính cách, diễn biến tâm lý cũng không thuyết phục. Trong khi đó, một vai phụ như cô bán cà phê Trinh lại được dành thời gian để giải thích về quá khứ cuộc đời. Chưa kể, một loạt nhân vật được cài cắm vô tội vạ dù chẳng mang lại nhiều ý nghĩa, vô tình làm loãng mạch tự sự của bộ phim.

Kế nhiệm dự án của đàn anh, nội dung Virus cuồng loạn còn sơ sài hơn. Lấy bối cảnh tại địa điểm núi đồi xa xôi, tác phẩm của Nhất Duy kể câu chuyện về một ê-kíp làm phim đang thực hiện dự án về zombie tại khu nghỉ dưỡng nọ. Bất ngờ, họ lại gặp phải zombie thật. Chúng bắt đầu tấn công khiến đại dịch lan rộng, buộc những người sống sót phải tìm cách tập hợp, tìm đường tới sân bay để nhận trợ giúp.

Khó mà tin được, nội dung một phim kinh dị lại được gán ghép với chủ đề an toàn thực phẩm. Nguồn cơn lũ xác sống được đạo diễn lý giải là do thức ăn độc hại, mất vệ sinh khiến cho mọi người ngộ độc. Chính vì sự ngô nghê này, Virus cuồng loạn khiến người xem phải bật cười.

Tệ hơn Cù lao xác sống, phần lớn diễn biến trong Virus cuồng loạn diễn ra một cách hời hợt, nhạt nhòa. Nhiều cảnh phim thừa, được cắt dựng cẩu thả. Diễn biến không làm khán giả hài lòng, cái kết tiếp tục gây nhiều thất vọng. Chưa kịp hiểu chuyện gì diễn ra, dòng thông điệp vệ sinh an toàn thực phẩm đã vội xuất hiện, chính thức khép lại bộ phim.

"Làm phim không chỉn chu là thiếu tôn trọng người xem"

Kịch bản lỏng lẻo, nhiều sạn trong khi nội dung nhàm chán, thiếu thuyết phục, đó chính là những điểm yếu của hai dự án zombie Việt Nam. Dễ thấy, ê-kíp làm phim đều mắc phải những sai lầm do sự thiếu chỉn chu, nghiêm túc trong khâu thực hiện.

Khai thác chủ đề xác sống vốn là một miếng mồi béo bở của giới điện ảnh, Cù lao xác sống và Virus cuồng loạn lại xa rời đặc tính mấu chốt của thể loại này. Thay vì được trải nghiệm cảm giác sợ hãi do đề tài kinh dị mang lại, nhiều khán giả chia sẻ họ cảm thấy bị “coi thường” vì sự cẩu thả của bộ phim.

Phim Zombie Việt thất bại trong việc tạo hiệu ứng kinh dị.

Ngoài ra, tư duy thiếu sáng tạo cũng khiến chúng mất điểm trong mắt các thượng đế. Cả hai đều thể hiện góc khai thác cũ kỹ, hời hợt cùng những mảng miếng chắp vá lộn xộn. Các yếu tố giải trí nếu được sử dụng hợp lý sẽ đa dạng hóa cảm xúc cho một phim kinh dị. Tuy nhiên, dưới cách xử lý non tay của đạo diễn và biên kịch, chúng vô tình trở thành hình cụ gây ức chế người xem.

Cuối cùng, sự thiếu chỉn chu còn thể hiện ở những khâu cơ bản như tạo hình nhân vật. Không hẹn mà gặp, cả Cù lao xác sống lẫn Virus cuồng loạn đồng loạt bị chỉ trích vì màn hóa trang zombie. Với lịch sử gần một thế kỷ phát triển, xác sống trên đền đài lịch sử điện ảnh đã trải qua vô vàn biến hóa. Nhưng trong hai bộ phim kinh dị Việt, những thây ma này đều có ngoại hình "bôi bác" khó coi.

Lý giải cho thất bại của những dự án này, trao đổi với Zing, chuyên gia điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho rằng sự chủ quan của đạo diễn và ê-kíp sản xuất đóng vai trò là tác nhân chính. Tư duy làm phim thiếu sáng tạo, còn ngô nghê và non tay dẫn tới chất lượng tác phẩm chưa cao.

"Đặc biệt, cả hai đều vướng phải chỉ trích do 'đánh giá thấp' gu thẩm mỹ điện ảnh và nhu cầu giải trí của khán giả. Đáng nói là, bản thân các đạo diễn đôi khi cũng không lường trước được điều này. Bên cạnh đội ngũ làm phim, các nhà phát hành cũng đóng góp một phần trách nhiệm. Sự lỏng lẻo, dễ dãi của họ tạo điều kiện cho những dự án tệ 'quấy rầy' người xem. Vì lẽ đó, khán giả 'bội thực' trước những bộ phim chất lượng trung bình yếu và quay lưng với điện ảnh nội địa cũng là điều dễ hiểu", ông Việt nhấn mạnh.

Theo Zing News