'Avatar' - bom tấn vĩ đại nhưng không hoàn hảo
"Avatar" trở lại rạp chiếu sau 13 năm. Là một trong những bộ phim nổi tiếng bậc nhất lịch sử, tác phẩm đình đám của James Cameron vẫn để lộ những sạn phim, thiếu sót không đáng có.
Trong suốt một thập niên kể từ khi phát hành, Avatar (2009) thường xuyên được khán giả gọi tên trong danh sách những tác phẩm vĩ đại từng xuất hiện trên màn ảnh. Điều này không gây ngạc nhiên, bởi đằng sau đó là vị đạo diễn bậc thầy James Cameron, “phù thủy điện ảnh” tạo nên tên tuổi của những bộ phim nổi tiếng như The Abyss, Aliens, Titanic hay Terminator,...
Mặc dù vậy, bom tấn có doanh thu cao nhất mọi thời đại vẫn gây nhiều tranh cãi với những luồng ý kiến cho rằng, bộ phim này thiên về xu hướng sử dụng thẩm mỹ hình họa để khỏa lấp các lỗ hổng hơn là một bộ phim có nội dung xuất sắc thật sự, theo nhận định của AMPAS.
Kịch bản nặng nề trên một cốt truyện “nhẹ cân”
Dẫu biết, Cameron có lý do xây đắp một kịch bản đồ sộ dàn trải trên thời lượng phim dài (2 giờ 41 phút), tuy nhiên, đó không phải là một lựa chọn sáng suốt để vị đạo diễn níu chân khán giả nếu tiết tấu phim chưa đủ cuốn hút, thú vị.
Nhiều phân đoạn trong phim tỏ ra dư thừa, không đem lại sự cần thiết đáng có trong mạch phát triển của cốt truyện. Avatar có hàng tá cảnh có thể cắt bớt để rút ngắn kịch bản, tạo nên sự chặt chẽ cho nội dung phim. Chính vì sự dày đặc của các cảnh quay nhỏ, tác phẩm bom tấn của Cameron thường xuyên mắc phải những “hạt sạn” có phần ngớ ngẩn, đặc biệt là trong những pha di chuyển góc máy.
Bên cạnh đó, nhiều chi tiết xuất hiện trong phim chỉ là vay mượn, thiếu sáng tạo và thông điệp cũng không mới. Các tuyến nhân vật trong Avatar xuất hiện đa dạng nhưng dập khuôn, là những kiểu mẫu cơ bản trong điện ảnh đương thời: phản diện tàn bạo, khát máu, nam chính “from zero to hero”, người bạn trung thành nhưng yểu mệnh, nhà khoa học mạnh mẽ, kiên định hay một gã CEO tham lam mà hèn nhát,...
Trên chất liệu nhân vật quen thuộc, Cameron đã sử dụng một phương pháp tiếp cận có phần nhạt nhẽo, “kể chuyện nhưng không đi sâu vào câu chuyện”. Vì lẽ đó, bộ phim tồn đọng nhiều sự kiện thiếu chắt lọc, thậm chí có phần gượng ép mặc cho cốt truyện tương đối đơn giản và dễ hiểu.
Câu chuyện tình yêu của Neytiri và Jake Sully điển hình là một nút thắt giàu ý nghĩa nhưng thiếu giá trị. Xây dựng trên một motif đã cũ kỹ của chuyện tình giữa hai phe chiến tuyến, cặp đôi rơi vào sự lựa chọn khó khăn: một bên là đồng đội, một bên là nửa kia của đời mình. Để rồi, có diễn biến nhưng xây dựng cao trào chưa tới, câu chuyện đã vội khép lại bằng cái kết mỹ mãn đẹp tựa như mơ: Neytiri kết liễu Quaritch và đeo cho Jake Sully tấm mặt nạ cung cấp dưỡng khí, cứu anh một bàn thua trông thấy.
Rõ ràng, đây là một kết thúc có hậu. Chỉ có điều, nó không phải một tình tiết gây được bất ngờ vì có thể được tìm thấy trong rất nhiều kịch bản phim xuyên suốt lịch sử. Chưa kể, sự mỹ mãn đó có phần thuần “cổ tích” trong một hành trình phiêu lưu vốn đã choáng ngợp khán giả với nhiều điều mơ mộng và kỳ ảo.
Dẫu biết, phim ảnh chủ yếu mang tới giá trị về mặt giải trí. Thế nhưng, ở một tác phẩm bom tấn hàng đầu giới điện ảnh, James Cameron không thể quên truyền tải một thông điệp hay ý nghĩa giá trị đến với khán giả, và Avatar lại chưa thực sự làm tốt điều này.
Nhiều ý kiến cho rằng, bộ phim cố tình đơn giản hóa và đùa cợt với các học thuyết hiện đại. Trong khi đó, L'Osservatore nhận định "Avatar đã sa lầy vào vũng bùn duy linh cùng sự tôn thờ thái quá với tự nhiên, đồng thời truyền tải những thông điệp có phần hời hợt, nông cạn".
Nội dung còn điểm thiếu sót
Với kỹ thuật quay và dựng phim đỉnh cao, khán giả cũng có quyền đòi hỏi nội dung của phim cũng cần một sự hoàn mỹ tương xứng, tuy nhiên, cũng giống như Titanic, Avatar chưa thể đem tới một nội dung xuất sắc với nhiều thiếu sót, đặc biệt là thoại phim. Cameron để cho các nhân vật của mình đối thoại dàn trải, xa rời tính đặc trưng điện ảnh: "lời thoại càng ít càng tốt”.
Trong bộ môn nghệ thuật thứ bảy, lời thoại kết hợp với hình ảnh theo cách thức khác biệt với truyền hình. Do vậy, nó chỉ nên xuất hiện với vai trò chia sẻ và củng cố hình tượng hiển thị trên màn ảnh rộng.
Vị đạo diễn vĩ đại Alfred Hitchcock từng nói: “Khi kể chuyện bằng phim, chúng ta chỉ viện đến thoại khi không còn cách nào khác. Một trong những lỗi sai lớn nhất của biên kịch là hễ gặp khó khăn thì lại nói: Có thể khỏa lấp điều đó bằng một câu thoại. Thoại chỉ nên là một âm thanh trong số các âm thanh, chỉ nên thoát ra từ miệng của người có đôi mắt biết nói”.
Nhiều đoạn hội thoại thiếu sự chắt lọc trong Avatar khiến cho mạch phim không có được sự cô đọng cần thiết ở một tác phẩm vốn dĩ có thời lượng quá dài. Đôi khi, phim khiến khán giả cảm thấy sượng với những câu thoại cliché theo kiểu “Tôi muốn cậu học hỏi bọn người này từ bên trong”...
Thoại phim bất ổn, diễn xuất của các nhân vật trong phim cũng chưa thể chạm tới ngưỡng được đánh giá tốt. Nam chính Sam Worthington có một màn trình diễn chỉ dừng lại ở mức trung bình, không tạo nên dấu ấn đặc biệt dù sở hữu lợi thế nhập vai anh hùng trong cuộc phiêu lưu kỳ thú.
Tính cách nhân vật Jake Sully của anh chưa được xây dựng một cách hoàn chỉnh, không quyết liệt, không rõ rệt. Các quyết định của anh đưa ra trong phim cũng chẳng thuyết phục, nhất là khi chịu từ bỏ giấc mơ phục hồi đôi chân tàn tật và phản bội đồng minh để gia nhập phe tộc người Na'vi một cách nhanh chóng.
Nhắc đến những nam chính xuất sắc trong các tác phẩm cùng thể loại, những tên tuổi lớn như Bruce Willis, William Shatner, Harrison Ford, William Shatner hay Claude Van Damme,... có thể thu hút khán giả và tận dụng tối đa từng khung hình để hoàn thành trọn vai ngay cả khi thiếu đất diễn trong một kịch bản phim tệ hại. Đơn cử, Conan the Barbarian sẽ mất đi sự tuyệt vời nếu không có Arnold và Bad Boys II cũng trở nên sinh động, thú vị hơn rất nhiều nhờ màn thể hiện của Will Smith.
Với Avatar, spotlight diễn xuất lại thuộc về Zoe Saldana, cô diễn viên trẻ thủ vai Neytiri, nàng công chúa của tộc người Na’vi trên hành tinh Pandora kỳ diệu. Biểu cảm tốt, kỹ năng hành động ổn, Zoe là minh họa rõ nét duy nhất về một nhân vật với đầy đủ cung bậc cảm xúc được phát triển một cách trọn vẹn.
Kỳ quan của điện ảnh viễn tưởng
Bỏ qua những thiếu sót không đáng có, Avatar vẫn là một trong những bom tấn đặc sắc của điện ảnh đương đại. Với kinh phí sản xuất xấp xỉ 300 triệu USD, tác phẩm đồ sộ của “cỗ máy in tiền” James Cameron đã thu về 2,847 tỷ USD doanh thu phòng vé, chễm chệ trên đỉnh của những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại.
Hình ảnh trong phim có đến 60% được thực hiện bằng CGI máy tính, bao gồm mọi thứ từ bối cảnh tới nhân vật. Đó là một bước đột phá công nghệ làm phim, tạo nên một cuộc cách mạng cho dòng phim 3D đổ bộ màn ảnh. Thành công của Avatar đã thúc đẩy định dạng kỹ thuật số phát triển và đẩy lùi định dạng phim nhựa 35 mm sớm lui vào dĩ vãng.
Không nằm ngoài dự đoán, Avatar gặt hái được hàng loạt giải thưởng điện ảnh danh giá và trở thành "con gà đẻ trứng vàng" của 20th Century Fox. Và đúng như Roger Ebert đã đánh giá, James Cameron là “người đàn ông biết tiêu 300 triệu USD một cách khôn ngoan”.
- Cơn ác mộng của Hollywood (05-Jun-2024)
- 'Venom' tung trailer phần cuối (05-Jun-2024)
- Cạm bẫy ‘sống ảo’ (03-Jun-2024)
- 'The Garfield Movie' - mèo lười phiêu lưu (03-Jun-2024)
- Hoạt hình Doraemon lập kỷ lục rạp Việt (03-Jun-2024)
- Tiêu Chiến hợp tác với Hoắc Kiến Hoa trong phim điện ảnh mới (31-May-2024)
- Hoạt hình 'Moana' tái xuất (31-May-2024)
- 'Furiosa' có doanh thu mở màn kém (28-May-2024)
- Là nữ thần vạn người mê, nay Triệu Lộ Tư tự đạp đổ hình tượng chỉ bằng 1 hành động (28-May-2024)
- 'The 8 Show' gây sốt (23-May-2024)