Điện ảnh

Chuyên Mục

'Quái vật sông Mekong' - phim Thái cẩu thả, chất lượng thảm họa


"The Lake" (Quái vật sông Mekong) là tác phẩm đầu tay về chủ đề quái thú của điện ảnh xứ sở Chùa Vàng. Tổng thể phim chắp vá, rời rạc với kịch bản nhàm chán và nội dung cẩu thả.


Thể loại: Quái thú, Kinh dị, Sinh tồn
Đạo diễn: Lee Thongkham
Diễn viên: Sushar Manaying, Teerapat Satjakul, Vithaya Pansringarm, Wanmai Chatborirak, Lamyai Haithongkham, Thanachart Tulyachart, Eed Ponglang.
Đánh giá: 4/10

“Bom tấn” quái vật của Thái Lan theo công bố phải mất tới 5 năm để thực hiện với 2,4 triệu USD kinh phí sản xuất. Trái ngược với mong đợi, nội dung của bộ phim khá đơn giản và dễ đoán khi lấy bối cảnh cuộc sống của người dân tại miền quê Buengkan yên bình bị phá vỡ bởi cuộc tấn công của quái vật bí ẩn xuất hiện từ dòng sông Mekong.

Cụ thể, bi kịch diễn ra khi nhân vật May vô tình nhặt được quả trứng khổng lồ kỳ lạ mà không hề hay rằng, nó đang được ấp bởi một quái thú khổng lồ. Bị mất con, thủy quái mẹ trở nên giận dữ, điên cuồng tìm kiếm làm đảo lộn cuộc sống của dân làng. Nó không ngừng săn lùng, tàn sát bất cứ ai cản đường và buộc cho cơ quan chức năng cùng những nhà khoa học đang nghiên cứu tại đây phải huy động tất cả lực lượng tìm cách ứng phó trước khi quá muộn.

Kịch bản chắp vá vụng về, chi chít lỗ hổng

Nhắc tới quái thú, đây hẳn không phải một chủ đề xa lạ trong suốt những thập niên qua, bởi nó vốn dĩ là một món ăn tinh thần chưa từng có dấu hiệu hạ nhiệt với những thượng đế của màn ảnh. Dẫu biết là một tác phẩm đầu tay khai thác đề tài này nên không tránh khỏi học hỏi và sao chép các bom tấn Hollywood tiền nhiệm, The Lake vẫn là một bản copy lỗi với những chắp vá nham nhở khó chấp nhận nổi.

Một trong số những điều gây khó hiểu nhất của phim là việc trộn lẫn điện ảnh và truyền hình, thậm chí, yếu tố truyền hình đôi khi có phần nổi trội hơn. Đứng trước một chủ đề đầy hấp dẫn, cách tiếp cận của đạo diễn khiến khán giả đặt dấu chấm hỏi lớn cho việc liệu rằng đây có đúng nghĩa là một tác phẩm điện ảnh.

Kịch bản phim đơn điệu tới mức cẩu thả, thiếu sáng tạo và sự chi chút tỉ mỉ. Tạo dựng theo trình tự tuyến tính cơ bản, từng hồi bộ phim không được xây đắp rõ ràng với những điểm thắt nút ồ ạt, tới rồi qua một cách lãng nhách mà không để lại ý nghĩa cho mạch phát triển đơn chiều của cốt truyện.

Phim để lộ nhiều mảng chắp vá cẩu thả, sơ sài.

Là một sự “học đòi” chưa tới nên tổng thể nội dung khá rời rạc, những lỗ hổng logic xuất hiện chi chít xuyên suốt thời lượng gần 2 tiếng đồng hồ. Điển hình, 30 phút đầu của bộ phim khiến người xem ngán ngẩm khi chỉ đơn thuần giới thiệu quái vật và hệ thống nhân vật dày đặc, được chia cắt bởi những màn chuyển cảnh vô duyên tới mức khó hiểu.

Điều đó giải thích cho việc, khi thời lượng phim trôi qua quá nửa, người xem vẫn phân vân không rõ đâu mới đích xác là nhân vật chính của bộ phim “đơn giản mà lan man” này. Câu chuyện xoay quanh các mối quan hệ cũng hời hợt và thiếu vắng chiều sâu. Vậy nên nếu lược bỏ bất kỳ một tuyến nhân vật nào, nội dung phim vẫn không bị ảnh hưởng ngoại trừ việc thời lượng sẽ giảm bớt đôi chút.

Bên cạnh việc xào nấu motif kinh điển theo một cách cẩu thả, The Lake còn để lại ấn tượng không tốt với việc “mượn” ý tưởng từ nhiều bom tấn cùng đề tài trước đó. Đạo diễn Lee Thongkham xây dựng mở đầu phim với khá nhiều điểm tương tự The Host (Quái vật sông Hàn), một tác phẩm thành công của điện Hàn Quốc năm 2006. Tuy nhiên, The Lake lại là một phiên bản vụng về hơn với dẫn chuyện dễ đoán, nội dung phim không lôi kéo được khán giả và thiếu vắng những tình tiết cao trào, gay cấn.

Với những bộ phim thuộc đề tài này, bên cạnh những màn chiến đấu mãn nhãn, nguồn gốc của quái vật cũng là một khía cạnh khai thác dễ dàng chiều lòng khán giả. Tuy nhiên, Quái Vật Sông Mekong gần như không đề cập đến điều đó mà chỉ thoáng nhắc qua trong một vài lời thoại triết lý nhà Phật được nhồi nhét khiên cưỡng ở những phút cuối cùng. Tính cách con thủy quái cũng chỉ được xây dựng một cách mơ hồ, đầy mâu thuẫn khi có lúc tàn bạo, khát máu, nhiều khi lại trầm ổn, ôn hòa.

Những tưởng sẽ có những cú plot-twist ngoạn mục đảo chiều cốt truyện hòng cứu vớt mạch phim lê thê đầy lỗ hổng, nhưng The Lake một lần nữa gây thất vọng khi nói không với điều này. Mối liên hệ kỳ lạ giữa nhân vật Keng và con quái con quái thú xuất hiện rồi chới với “chết yểu” vì đi vào ngõ cụt.

Cho tới khi bộ phim khép lại, Lee Thongkham cũng không thể đưa ra bất kỳ một lời giải thích hợp lý nào để khai thác và giải mã nút thắt quan trọng, khiến cho tình tiết đáng lẽ là điểm sáng của phim lại trở nên gượng ép một cách vô nghĩa, thô thiển.

Nội dung cẩu thả, phi điện ảnh

Bên cạnh cốt truyện vụng về, một trong những yếu tố khiến bộ phim thất bại đến từ sự mâu thuẫn và cẩu thả trong việc tạo dựng tính cách nhân vật, bao gồm cả phe chính diện lẫn phe phản diện. Những tình tiết phi logic được đưa ra một cách đầy khó hiểu, phá vỡ những quy tắc phát triển của cốt truyện, trong khi các phân đoạn cao trào lại thiếu hụt những yếu tố cần thiết để đẩy cảm xúc khán giả lên tới đỉnh điểm.

Nội dung The Lake nhạt nhòa, nhàm chán.

Đơn cử, phân đoạn viên cảnh sát James cùng con gái chạm trán quái vật là điểm nhấn mạnh mẽ nhất của phim, được đầu tư về mặt kỹ xảo và thời lượng dài hơn hẳn những phân đoạn khác, tuy nhiên lại chỉ là một bản sao chép nham nhở của Jurassic 4 với việc thiếu kinh phí – thừa lời thoại.

Đây là một trong số những cảnh hiếm hoi mà khán giả được chiêm ngưỡng cận cảnh con quái vật khổng lồ. Đáng tiếc, thay vì trầm trồ trước đồ họa hình ảnh mãn nhãn, con thủy quái lại hiện lên mờ nhạt, thiếu điểm nhấn, gợi nhắc về Gorzzila, King Kong hay những quái vật “nhựa” trong phim siêu nhân đầu những năm thập niên 2000.

Sử dụng thủ pháp phối cảnh và ánh sáng mờ ảo hòng che lấp hạn chế kỹ thuật, đa số những khung hình của quái thú đều thiếu trọn vẹn, chưa thỏa mãn được thị giác khán giả. Vai trò của nó trong phim gần như chỉ là con số 0 tròn trĩnh, không có tính cách cụ thể mà chỉ biết gào rú ầm ĩ.

Ngôn ngữ điện ảnh của The Lake cũng tỏ ra yếu kém với phương pháp dựng phim qua loa, hời hợt. Màn mưa có lẽ là một trong số hiếm hoi những dàn cảnh cơ bản được đạo diễn sử dụng để tạo ấn tượng thị giác và hâm nóng không khí căng thẳng vốn dĩ nên có trong một tác phẩm sinh tồn. Tuy nhiên, việc lạm dụng một cách thừa thãi vì chiếm tới gần nửa thời lượng đã khiến ý đồ ban đầu trở nên phản tác dụng, gây ức chế khi kết hợp với những âm thanh la hét, gào rú inh ỏi của con người và quái vật. Nhịp phim khá chậm, không tạo được không khí hỗn loạn, cấp bách cần thiết.

Tác phẩm quái thú đầu tay của điện ảnh Thái đầy rẫy cảnh quay vụng về cùng những cú máy cận cảnh (close-up shot) kết hợp slow-motion đem lại cảm giác tương tự phim truyền hình Ấn Độ. Với việc quay sát góc mặt trực diện của diễn viên, sự kinh ngạc, lo sợ của nhân vật dưới diễn xuất non nớt trở nên khá khiên cưỡng, lố bịch. Phần lời thoại phim cũng lan man, thừa thãi, đến lời của nhân vật nào, máy quay lại hướng tới mặt của diễn viên đó. Để rồi, những đoạn hội thoại theo kiểu: “Chúng ta phải làm gì đây? – Tôi cũng không biết nữa!” xuất hiện đầy khó hiểu trong một tác phẩm điện ảnh.

Kịch bản tệ khiến cho đất diễn của các nhân vật trong phim bị hạn chế với số lượng nhân vật khủng nhưng không có điểm thắt nút, cao trào hay thoái trào rõ rệt. Từ đầu chí cuối, đặc biệt trong những phân cảnh đối mặt với quái vật, dàn diễn viên quần chúng không làm gì khác ngoài việc la hét và trốn chạy một cách vô hồn.

Họ chỉ như những bù nhìn, vô tình “va” vào khung hình, không cảm xúc, không mang lại giá trị cần thiết cho phim. Đôi lúc, khán giả không rõ mình đang thưởng thức một tác phẩm sinh tồn hay đơn thuần chỉ là một thước phim xác sống chắp vá từ The Walking Dead, Resident Evil hay World War Z,...

Về phần diễn xuất của tuyến nhân vật chính cũng không để lại ấn tượng đặc biệt, đơn cử là Sushar Manaying, diễn viên có tiếng của xứ sở Chùa Vàng. Từng góp mặt trong khá nhiều dự án thành công trước đó, màn hóa thân vào nhân vật Lin không tạo được thiện cảm như mong đợi. Nhược điểm diễn xuất non nớt, trồi sụt của Sushar bộc lộ rõ qua những phân cảnh hồi tưởng và để lộ nét gượng gạo trong những màn khóc lóc “giả trân”, vô cảm.

Sushar Manaying có màn thể hiện thất bại.

Điểm sáng hiếm hoi

Có lẽ, yếu tố sáng giá nhất của phim tới từ những giá trị nhân văn đạo hạnh của Phật giáo được lồng ghép ở những phút cuối cùng. Kinh qua một hành trình “nham nhở” về mặt nội dung, đạo diễn đã kịp thổi vào những đạo lý sống ý nghĩa trước khi tác phẩm chính thức khép lại. “Quái vật thực sự không phải là thứ có hình dạng gớm ghiếc với răng nanh lởm chởm ngoài kia, mà là những suy nghĩ, ý niệm đen tối, xấu xa và lừa lọc nhen nhóm trong trái tim và bộ óc mỗi người”.

Bên cạnh đó, khá khen cho Lee Thongkham khi đã không chủ đích lợi dụng overacting và catharsis trong tác phẩm của mình hòng câu kéo nước mắt của khán giả, một điều mà khá nhiều bộ phim thuộc nền điện ảnh châu Á thường xuyên mắc phải, đặc biệt là Hàn Quốc và Thái Lan.

Dù xuất hiện có chút khiên cưỡng, khoảng lặng trong phim vẫn diễn biến một cách tương đối giản dị, tự nhiên, vừa đủ để khán giả có những phút giây lắng đọng suy nghĩ sau khoảng thời gian mệt mỏi với một tác phẩm “tuy đơn giản mà lại dài dòng”.

Theo Zing News