Điện ảnh

Chuyên Mục

'Bullet Train' - Brad Pitt lạc vào xứ người điên


Brad Pitt mang đến nhiều tiếng cười khi vào vai tay sát thủ gặp vận rủi trên chuyến tàu tốc hành tử thần, trong phim "Bullet Train".


Bullet Train chuyển thể từ tiểu thuyết Maria Beetle (2010) của nhà văn Ikasa Kotaro. Khác với nguyên tác, hầu hết nhân vật quan trọng từ người Nhật trở thành đa dạng sắc da. Song, phim không nhận nhiều phản hồi tiêu cực về vấn đề này, ngược lại còn được mong chờ do có đạo diễn David Leitch (John Wick, Atomic Blonde) cùng dàn diễn viên thực lực.

David Leitch (trái) từng được yêu thích với John Wick.

Bọ Rùa (Brad Pitt) là tay sát thủ đang theo chủ nghĩa ôn hòa, nói không với súng đạn. Anh nhận một nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản, đó là cướp chiếc cặp táp trên chuyến tàu tốc hành (shinkansen) đi từ Tokyo đến Kyoto.

Thực chất, chiếc cặp thuộc sở hữu của bộ đôi giết thuê Quýt (Aaron Taylor-Johnson) và Chiuhanh (Brian Tyree Henry), với món hàng bên trong cần được giao cho ông trùm yakuza khét tiếng Cái Chết Trắng (Michael Shannon). Sau khi mất vali, để bảo toàn mạng, chúng ra sức săn lùng Bọ Rùa.

Cùng lúc, chuyến tàu xuất hiện nhiều kẻ đáng ngờ hơn, hứa hẹn một cuộc chiến đẫm máu sắp diễn ra.

Brad Pitt lạc vào xứ "người điên"

Bom tấn hành động - kịch tính đánh dấu lần thứ hai Brad Pitt hợp tác đạo diễn David Leitch, sau vai khách mời trong Deadpool 2 (2018). Trong hai phim, tài tử đều vào vai anh hùng "có vẻ" lành nghề, song vì không may mà rơi vào tình thế oái oăm và tạo ra loạt tình tiết tiếu lâm.

Các trang phê bình quốc tế nhìn nhận những năm gần đây, Brad Pitt chịu đóng vai "hài hước" hơn, đồng thời vẫn giữ được hình ảnh anh hùng hào sảng của anh, như trong Once Upon a Time in Hollywood, The Lost City và gần nhất là Bullet Train.

Các phim về sát thủ thường khắc họa khả năng nhân vật chính qua sự tỉ mỉ trong lúc hành động hoặc đống đồ chơi công nghệ đắt tiền. David Leitch đi theo hướng ngược lại, khi để Brad Pitt vận quần áo bình dân, tay không tất sắt.

Tạo hình của nam chính trái ngược dàn sát thủ màu mè trong phim.

Bọ Rùa chỉ bộc lộ kỹ năng thượng thừa khi phải lần lượt đối đầu các đối thủ "quái chiêu" trong toa tàu chật hẹp. Phong thái điềm tĩnh, ưa pha trò kể cả khi cận kề cái chết khiến nhân vật giản dị, tếu táo song vẫn đủ "ngầu". Khán giả dễ thấy buồn cười, khi mang danh sát thủ cao cấp, nhưng Bọ Rùa lại là kẻ ít điên rồ, ít mưu mô nhất chuyến tàu.

Brad Pitt thể hiện khả năng diễn xuất tự nhiên, giàu kinh nghiệm, dù vai mới không có quá nhiều sự khác biệt so với những lần thể hiện trước của anh. Đâu đó, khán giả vẫn nhận ra các điệu bộ, cử chỉ khuôn mặt phóng khoáng, pha chút phong trần giống với cá tính ngoài đời của tài tử.

So với nam chính, dàn vai phụ không lép vế. Aaron Taylor-Johnson vào vai sát thủ Quýt đởm dáng, tri thức, tung hứng ăn ý với gã đồng nghiệp "mồm mép" Chanh. Dù là tuyến phản diện, bộ đôi chiếm cảm tình nhờ các câu pha trò duyên dáng, cùng tình anh em cảm động.

Joey King gây chú ý khi vào vai Prince - nữ sát thủ "học sinh" tâm địa khó lường. David Leitch ưu ái dành thời lượng cho các đoạn montage, giới thiệu tiểu sử cũng như sở trường của các sát thủ.

Joey King có nhiều thay đổi trong lối diễn.

Công thức của David Leitch

Phong cách chiến đấu của nhóm nhân vật chính gợi cho khán giả đâu đó cảm giác quen thuộc như hồi John Wick. Từng có kinh nghiệm làm diễn viên đóng thế trước khi ngồi ghế đạo diễn, Leitch tiếp tục lợi dụng bối cảnh hẹp, nhiều ngách và góc tù, để mang đến sự sáng tạo trong khâu quay dựng.

Có lúc, các pha chiến đấu của Brad Pitt gợi nhắc các phim hài - hành động của Thành Long hay Lý Liên Kiệt, khi anh dùng những đồ vật tưởng chừng vô hại để làm vũ khí chống kẻ thù đông đảo. Hầu hết cảnh chiến đấu trong phim đều là cảnh nội - trong toa tàu - thuận lợi để nhà làm phim chơi đùa với các hiệu ứng thị giác, song cũng là thử thách mới với Leitch.

Các cảnh chiến đấu đậm chất John Wick.

Nhằm tôn trọng tinh thần Nhật Bản trong nguyên tác, nhiều đại cảnh của Bullet Train bắt trọn các quận huyện sầm uất ở Tokyo, rồi nối đuôi tàu tốc hành đến chốn thiên nhiên hùng vĩ của ngoại ô Kyoto. Nhóm yakuza của Cái Chết Trắng tuy có phần hư cấu so với xã hội đen Nhật Bản ngoài đời thực, song tạo điểm nhấn với vũ khí là thanh katana, cùng mặt nạ setsubun (mặt quỷ) dùng trên sân khấu kịch.

Hầu hết nhạc nền trong phim đều là các ca khúc nổi tiếng như Holding Out for a Hero, Five Hundred Miles... được hát bằng tiếng Nhật, kết hợp âm hưởng địa phương êm đềm, tạo tính tương phản trong cảnh chiến đấu căng thẳng.

Do tuyến chính là những cá nhân bất hảo, phim không thiếu phân đoạn sử dụng hài đen (dark humour). Điều này mang đến tiếng cười cho khán giả trưởng thành, nhưng cũng dễ khiến người xem khó chịu. Chưa hết, do dành nhiều thời lượng giới thiệu loạt nhân vật, nên nhịp phim ở nửa sau bị đẩy gấp.

Bọ Rùa ban đầu được khắc họa là một tay xui xẻo, nhưng về sau thành công nhờ gặp nhiều hậu thuẫn. Ông trùm Cái Chết Trắng được khắc họa là đáng sợ hơn quỷ dữ, vậy mà không có nhiều đất thể hiện. Nhân vật khó giữ được hình tượng nghiêm túc cần thiết, khi bị đặt để vào một kịch bản "xàm" ngang ngửa Deadpool.

Theo Zing News