Điện ảnh

Chuyên Mục

Loạt điểm trừ gây hụt hẫng trong phim của Thu Trang - Tiến Luật


Với kịch bản yếu và lối kể hạn chế, phim “Dân chơi không sợ con rơi” – Thu Trang sản xuất, Tiến Luật đóng chính – không mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.


Thể loại: Hài hước, tình cảm gia đình
Đạo diễn: Huỳnh Đông
Diễn viên: Tiến Luật, Vân Trang, Bảo Thi
Đánh giá: 5.5/10

Ông trời luôn đặt Quân (Tiến Luật) vào những tình huống tréo ngoe. Anh sợ độ cao từ nhỏ nhưng lớn lên lại làm diễn viên đóng thế, thường phải đóng cảnh nguy hiểm, nhảy từ trên cao xuống.

Đến khi Quân đang hài lòng với cuộc sống độc thân, vui vẻ tán tỉnh phụ nữ thì bỗng phải làm “gà trống nuôi con”.

Cuộc sống của gã “dân chơi” xoay 180 độ khi người yêu cũ Gia Linh (Vân Trang) xuất hiện. Cô hỏi xin 20.000 đồng, trao cho Quân một đứa bé, nói đó là con anh rồi tìm cách bỏ trốn qua Campuchia.

Công thức remake không mới

Dân chơi không sợ con rơi là dự án điện ảnh do Thu Trang sản xuất, Huỳnh Đông đạo diễn. Ngay từ nhan đề, khán giả có thể hình dung về một tác phẩm vui vẻ, gây cười.

Nội dung Dân chơi không sợ con rơi kể về một anh chàng bất ngờ phải làm cha đơn thân.

Nội dung xoay quanh mối quan hệ giữa Quân với con gái tên Thỏ (Bảo Thi), từ lúc cô còn bé đến khi lớn lên được 8 tuổi.

Cách ê-kíp phát triển câu chuyện khá quen thuộc. Nhà làm phim lồng ghép nhiều yếu tố hài hước ở đầu, sau đó thêm thắt sự kiện bất ngờ để tạo kịch tính, rồi khép lại bằng cái kết lấy nước mắt người xem.

Đạo diễn chọn lối dẫn nhập tương đối nhanh gọn. Tình huống đặt ra với Quân được gói ghém trong vòng 5 phút đầu. Nhưng sau đó kịch bản lại sa đà vào các tình tiết hài phi lý (absurd humor) để gây cười.

Điển hình phân cảnh Quân ôm em bé đuổi theo Vân bất chấp hiểm nguy. Anh liên tục được người lạ giúp đỡ, vẫn kịp chạy đến biên giới dù không suôn sẻ.

Sau đó, nhân vật tình cờ gặp lại vợ chồng bạn cũ Tám Mánh (Huỳnh Phương) tại cửa khẩu và được họ giúp đỡ trong việc nuôi dạy con.

Thực tế, kịch bản được chuyển thể từ phim Instructions Not Included của Mexico. Ra mắt năm 2013, tác phẩm thắng lớn tại phòng vé khi thu về hơn 100 triệu USD so với kinh phí vỏn vẹn 5 triệu USD.

Song, bản phim gốc lại không được giới phê bình đánh giá cao, xếp hạng “thối” trên Rotten Tomatoes (57%) và nhận 55/100 điểm trên Metacritic.

Với cốt truyện mỏng, các nhà làm phim Việt hóa kịch bản tương đối dễ dàng. Thậm chí, chưa chắc nhiều khán giả có thể nhận ra đây là một dự án remake (làm lại).

Chuyện phim không mới, có một chút Ông ngoại tuổi 30 (nhân vật bất ngờ phải nuôi người thân), một chút Chìa khóa trăm tỷ (nam chính là diễn viên đóng thế) và một chút Nắng (tình cảm gia đình).

Kịch bản được chuyển thể từ phim Instructions Not Included (2013) của Mexico.

Kịch bản đơn giản, dễ hiểu, đôi chỗ hơi hồn nhiên giống phim thiếu nhi. Nhưng vì một số nội dung không phù hợp, bản Việt được dán nhãn C13 (cấm khán giả dưới 13 tuổi) giống bản gốc, vô tình làm dự án mất đi một lượng khán giả tiềm năng.

Ê-kíp “người quen”

Hai cái tên Thu Trang và Huỳnh Đông mang lại niềm tin về một ê-kíp chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong nghề.

Trước đó, nữ diễn viên hài khá “mát tay” khi giữ vai trò sản xuất, với các dự án đều thắng lớn phòng vé như Chị Mười Ba: Phần kết thập tam muội (2019), Chị Mười Ba 2: 3 ngày sinh tử (2020).

Gần nhất, Nghề siêu dễ cũng thu về gần 70 tỷ đồng khi ra mắt tháng 4.

Đây cũng không phải lần đầu Huỳnh Đông ngồi ghế đạo diễn. Anh từng nhận giải Cánh diều Vàng 2019 ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc cho phim Hạnh phúc của mẹ (Kiều Minh Tuấn, Cát Phượng đóng chính).

Đáng tiếc, cả hai chưa thể mang đến sự mới mẻ cho người xem ở dự án lần này.

Một trong những nguyên nhân khiến phim cũ kỹ đến từ dàn diễn viên. Huỳnh Phương, Lâm Vĩ Dạ, Kiều Minh Tuấn, Nguyên Thảo… đều là những gương mặt quen thuộc của làng hài, từng xuất hiện trong những dự án gắn với Thu Trang.

Ở mặt tích cực, chính dàn diễn viên phụ đã “cứu” phim suốt hai hồi đầu.

Sự xuất hiện chóng vánh của Phương Lan, vẻ nũng nịu của Lê Khánh hay nét diễn tiếu lâm của Ngô Kiến Huy đều hiệu quả trong việc gây cười.

Tuy nhiên, Lê Khánh vẫn là Lê Khánh, Ngô Kiến Huy vẫn là Ngô Kiến Huy, Khương Ngọc vẫn là Khương Ngọc đâu đó trong các phim khác.

Dàn diễn viên phụ cứu phim ở hai hồi đầu.

Ngay cả nam chính Tiến Luật cũng lặp lại chính mình. Bản thân là một người cha, anh không gặp nhiều khó khăn trong việc hóa thân nhân vật. Hơn nữa, các tình huống hài trong phim vốn là sở trường của nam diễn viên.

Ở những cảnh bi, Tiến Luật dừng ở mức tròn vai, chưa tạo được nhiều cảm xúc với một nhân vật không được đào sâu. Anh có cố gắng thay đổi hình ảnh trong tạo hình “dân chơi” nhưng không thuyết phục, vẫn chỉ là Tiến Luật đang đội tóc giả.

Một trong những yếu tố mới là diễn viên nhí Bảo Thi trong vai Thỏ lúc 8 tuổi. Nhưng cô bé chưa thực sự có nhiều đất để tỏa sáng. Lối diễn của em vẫn thiên về bản năng, đài từ đôi chỗ chưa rõ.

Loạt điểm trừ gây hụt hẫng

Ngoài dàn diễn viên, phim vẫn còn nhiều điểm trừ, nhất là trong việc xây dựng và khai thác câu chuyện.

Thời lượng phim tương đối ngắn (90 phút) nhưng cách sắp xếp chưa hợp lý. Sau hơn nửa tiếng đầu, kịch bản mới dời mốc thời gian tiến tới 8 năm khi bé Thỏ lớn lên. Từ đó, đạo diễn bắt đầu tập trung phát triển mối quan hệ gia đình, tình cảm cha con.

Phần lớn các nhân vật thiếu sự kết nối hoặc không mang nhiều ý nghĩa trong câu chuyện. Chẳng hạn, em gái Quân (Lâm Vỹ Dạ) xuất hiện ở đầu phim trong một khoảnh khắc nhỏ, sau đó mất tích và không bao giờ trở lại.

Hay như bộ tứ Giàu, Sang, Tới, Rồi – con của Tám Mánh – bỗng lớn quá nhanh, tạo cho người xem cảm giác xa lạ.

Tương tự, nhân vật Gia Linh của Vân Trang đến rồi đi như cơn gió. Khó ai có thể đồng cảm với nỗi đau hay hoàn cảnh của một phụ nữ bỏ rơi con từ khi mới lọt lòng.

Vai diễn của Vân Trang chưa thể tạo được sự đồng cảm đối với người xem.

Với Dân chơi không sợ con rơi, Huỳnh Đông để lộ nhiều điểm yếu trong kỹ thuật kể chuyện. Đạo diễn có cố gắng thay đổi các góc máy để làm mới nhưng gặp hạn chế trong việc xử lý tiết tấu, nhịp phim.

Âm nhạc trong phim dùng chưa hiệu quả. Các bản nhạc không lời được sử dụng liên tục, phần nào khiến mạch phim trở nên đều đều, kém lôi cuốn.

Điểm trừ lớn nhất là mối quan hệ giữa hai cha con Quân và bé Thỏ. Các nhân vật cần có thêm nhiều thời gian bên nhau, trải qua nhiều vui buồn hơn nữa để tăng tình cảm ruột thịt.

Chính vì vậy, khi các cảnh hồi tưởng (flashback) hiện lên, người xem khó xúc động trước những ký ức ngắn ngủi giữa hai cha con.

Việc Quân cũng từng là đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi khi còn nhỏ là một chi tiết đắt giá, nhưng ê-kíp hoàn toàn bỏ qua.

Xuyên suốt tác phẩm, nhân vật của Tiến Luật như đứng trước thế lưỡng nan, không biết nên gây cười hay bắt khán giả phải khóc.

Cuối cùng, phim khép lại bằng một cái kết gây hụt hẫng và dễ đoán, đi vào lối mòn của các tác phẩm cùng thể loại.

Theo Zing News