‘Quyết tâm chia tay’ - cái kết nghẹt thở
Từ một vụ án mạng, đạo diễn Park Chan Wook cuốn khán giả vào chuyện tình ngang trái, nhuốm màu sắc tội lỗi của hai nhân vật chính trong “Decision to Leave”.
Thể loại: Tâm lý, giật gân
Đạo diễn: Park Chan Wook
Diễn viên: Thang Duy, Park Hae Il, Lee Jung Hyun
Đánh giá: 8.5/10
(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Đâu là điểm chung giữa việc giết người và hút một điếu thuốc lá?
Với Hae Jun (Park Hae Il) – nhân vật chính trong Decision to Leave (Tựa Việt: Quyết tâm chia tay), cả hai hành động đều khó khăn khi thực hiện lần đầu, sau đó sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Suốt một thời gian dài, Hae Jun quyết tâm bỏ thuốc lá để chiều lòng vợ. Nhưng công việc thanh tra không cho phép anh từ chối những vụ án mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Người đàn ông ấy đặt sự nghiệp cao hơn cả tình yêu, sẵn sàng xa nhà để dành trọn tâm trí phá án. Mọi thứ thay đổi hoàn toàn ngay khi Hae Jun gặp được Seo Rae (Thang Duy) - nghi can số một trong vụ giết người anh đang thụ lý.
Sương mù, góa phụ và vụ án mạng
Từ những cảnh quay đầu tiên, Decision to Leave đưa người xem lên một đỉnh núi cao chót vót ở Busan. Dưới chân núi là xác một người đàn ông rơi tự do, chưa rõ bị giết hay tự sát.
Một vài thông tin nhanh chóng được xác định. Anh ta tử vong vào sáng thứ hai. Kim đồng hồ trên tay chỉ đúng 10h10. Người thân duy nhất là vợ, Seo Rae, một phụ nữ Trung Quốc nhập cư trái phép sang Hàn.
Nổi tiếng là thanh tra tài ba và trẻ tuổi nhất lực lượng, Hae Jun cùng đồng nghiệp thực nghiệm vụ án bằng cách leo ngược lên đỉnh núi. Không chỉ nhiều kinh nghiệm, anh còn sở hữu óc phán đoán hơn người, luôn dành mọi tâm huyết vào việc điều tra.
Cũng chính vì quá nhập tâm, Hae Jun để ý từng chi tiết nhỏ nhất liên quan đến Seo Rae, từ việc cô dửng dưng tháo nhẫn cưới ngay sau khi chồng chết, đến cách cô nhắc lại câu nói Khổng Tử bằng tiếng Hàn lệch chuẩn: Người khôn ngoan thích nước, người nhân từ thích núi.
Một thanh tra yêu kẻ bị tình nghi trong lúc phá án – mô-típ này chẳng phải đã quá quen thuộc trên màn ảnh rộng?
Trong Vertigo (1958), đạo diễn bậc thầy Alfred Hitchcock từng vận dụng nhuần nhuyễn cốt truyện bằng cách để hai nhân vật lao vào nhau: Một cựu cảnh sát sợ độ cao và một phụ nữ nhiều khả năng phạm tội.
Đến Chinatown (1974), khi thám tử Jake Gittes bị cuốn vào vụ án mạng cũng là lúc anh dần nảy sinh tình cảm với vợ nạn nhân - nghi can hàng đầu. Thanh tra Nick Curran của Basic Instinct (1992) không rút kinh nghiệm mà vẫn bước vào con đường tương tự, trở thành “con mồi” trong trò cút bắt yêu đương với nữ văn sĩ bị tình nghi giết người.
Suốt nhiều thập niên, các nhà làm phim Hollywood nhào nặn biết bao tác phẩm dựa trên mô-típ kinh điển. Thanh tra, thám tử luôn rơi vào vòng xoáy tình ái với một femme fatale (người phụ nữ bí ẩn) để rồi mắc kẹt như mê cung không lối thoát.
Thế nhưng, đạo diễn Park Chan Wook – nổi tiếng với Old Boy (2003) và gần nhất là The Handmaiden (2016) – vẫn biết cách dẫn dắt bộ phim đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Ngay ở hồi một, kịch bản nhanh chóng lật tung tất cả.
Từ nghi can, Seo Rae trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình. Người phụ nữ không giấu nổi những vết bầm tím trên cơ thể, thậm chí còn bị chồng xăm lên người để khẳng định quyền sở hữu.
Từ phía điều tra tội phạm, Hae Jun trở thành kẻ phạm tội. Chẳng những phản bội vợ, anh còn đi ngược luật pháp vì lén lút qua lại với góa phụ bị tình nghi.
Khi tình yêu của Hae Jun tan biến, tình yêu của Seo Rae mới bắt đầu. Đến khi cô quyết tâm chia tay, anh là người dốc hết công sức tìm kiếm.
Xuyên suốt phim, ca khúc The Mist (Sương mù) của Chung Hoon Hee lặp đi lặp lại như ám vào cuộc đời hai nhân vật chính. Lời bài hát kể về một tình yêu không trọn vẹn. Trong nỗi cô đơn đến cùng cực, cô gái ngồi nhớ người thương, càng tuyệt vọng hơn khi thấy hình bóng anh chìm dần trong màn sương ký ức.
Khi Park Chan Wook trở về nguyên bản
Phần lớn khán giả thường hình dung về Park Chan Wook như là đạo diễn của những cuốn phim đậm mùi máu me, bạo lực. Dấu ấn đó được thể hiện rõ nét qua bộ ba The Vengeance (2002-2005) có khả năng gây chấn động não bộ của bất cứ ai từng xem qua.
Song, những người quan tâm và theo dõi đạo diễn hẳn đều biết, cách đây 30 năm ông bước chân vào điện ảnh bằng một chuyện tình mơ mộng nhưng cũng đầy ngang trái.
Ra mắt năm 1992, phim đầu tay của Park Chan Wook có nhan đề khá bay bổng: Mặt trăng là... giấc mơ của mặt trời (The Moon Is... the Sun's Dream).
Kịch bản do ông đồng chấp bút, kể về một gã du côn trót đem lòng yêu nhân tình của trùm xã hội đen. Sau đó, cả hai cùng cuỗm sạch tiền và bỏ trốn dưới sự truy đuổi sát sao của băng đảng.
Phim buồn, lãng mạn và có một chút sến súa theo kiểu melodrama Hàn. Dù kết quả không đến nỗi tệ, Park Chan Wook chưa thể tìm ra phong cách đặc trưng mà sử dụng lối kể chuyện đơn giản, thô ráp và có phần hơi lê thê.
Sự xuất hiện của Decision to Leave là minh chứng cho thấy khoảng cách 30 năm có thể biến một đạo diễn non tay trở thành nhà làm phim bậc thầy.
Từ dàn cảnh, bố cục, màu sắc khung hình cho đến nhịp độ đều được kiểm soát chặt chẽ. Cấu trúc ba hồi được xử lý tài tình. Thậm chí, đạo diễn còn tận dụng óc hài hước có được sau nhiều năm làm nghề, khiến người xem bật cười qua những tình huống hóm hỉnh.
Điển hình khi thanh tra Hàn bắt chước phụ nữ Trung nói một câu tiếng Anh: “Good Morning”.
Giống tác phẩm chào sân, Park Chan Wook tiếp tục xây dựng một chuyện tình mơ mộng nhưng ngang trái. Sẽ chẳng có gì xảy ra nếu thanh tra Hae Jun chưa vợ, và sẽ tốt hơn nếu Seo Rae đến bên anh với một tư cách khác thay vì người bị điều tra.
Đôi chỗ, phim vẫn sến đúng vị melodrama Hàn với những câu thoại có khả năng làm mủi lòng người nghe. “Em đến để đưa anh vào giấc ngủ”, góa phụ dịu dàng nói. Một cảnh khác, cô bất chợt hỏi: “Nếu người anh yêu kết hôn thì anh có hết yêu người đó không?”.
Ở những phân đoạn đầu, đạo diễn họ Park khéo léo biến phòng thẩm vấn thành nơi hẹn hò của hai con người xa lạ.
Dưới sự theo dõi của camera an ninh và những cảnh sát ở phía sau tấm kính, bộ đôi lặng lẽ trao nhau giao cảm. Không ai nói câu nào, họ dọn sạch bữa ăn trên bàn một cách ăn ý như đồng phạm đang cùng xóa dấu vết hiện trường.
Có lẽ ngay từ khoảnh khắc ấy, cả hai đã biết mình thuộc về nhau.
Park Chan Wook cũng không ngần ngại cho người xem bước vào tâm trí nhân vật. Khi Hae Jun nhắm mắt, những gì hiện ra đều là hình bóng Seo Rae chứng tỏ anh đang ngoại tình tư tưởng.
Thanh tra theo dõi góa phụ lâu đến mức nhớ từng hành động, cử chỉ. Anh thấy cô lặng lẽ ngồi xem phim truyền hình, nước mắt chảy dài. Mỗi tối, cô ăn kem thay cơm, sau đó châm một điếu thuốc rồi lại bật khóc. Tất cả lặp lại như một thói quen.
Nhưng Seo Rae không bao giờ để lộ sự yếu đuối trước người khác. Trước mặt cô luôn là một lớp sương mù bao phủ. Sự bí ẩn làm nên nét quyến rũ chết người, khiến thanh tra luôn mơ tưởng về người phụ nữ trong vô thức, mê mệt và quên luôn người vợ ở nhà.
Cái kết nghẹt thở
Để dẫn dắt người xem, đạo diễn đem hai yếu tố kinh điển của phim noir (phim đen) trộn lẫn vào nhau. Nhưng khác phần lớn phim đen dùng tình yêu kể chuyện tội phạm, Decision to Leave lại dùng tội phạm kể chuyện tình yêu.
Như mọi lần, điểm khiến “đứa con tinh thần” của Park Chan Wook trở nên đặc biệt luôn là những cú twist vặn xoáy đến nghẹt thở. Trong phim, ván bài bắt đầu lật ngửa khi Seo Rae bắt thóp được Hae Jun.
Là nghi can nhưng cô lại đặt cho thanh tra những câu hỏi khó trả lời. Một cảnh quay, góa phụ bỗng bất ngờ chất vấn: “Vợ anh có biết hàng đêm anh nhìn trộm vào nhà ai không?”.
Đó là lúc Hae Jun chợt nhớ ra Seo Rae với điếu thuốc lá trên môi là thứ mà anh luôn thèm muốn nhưng cũng là điều cấm kỵ.
Suốt thời lượng hơn hai tiếng đồng hồ, Park Chan Wook liên tục cài cắm nhiều ẩn ý trong từng lời thoại lẫn hình ảnh. Ở đầu phim, ông đưa người xem lên đỉnh núi cao nhất, đến cuối lại dìm xuống tận đáy vực sâu.
Không cần cú twist nào, kết phim vẫn thừa khả năng thắt chặt con tim bất kỳ ai từng yêu trong đời.
Ta chẳng còn nhìn thấy một cảnh sát “điên rồ chạy theo một người đàn bà đến mức phá hỏng cuộc điều tra”. Ta chẳng còn nhận ra một phụ nữ vô cảm, không mảy may quan tâm đến cái chết của chồng.
Trên màn ảnh chỉ là hai tâm hồn đồng điệu, ở hai đất nước khác biệt, vượt nghìn trùng để đến bên nhau.
Giống tác phẩm đầu tay, Park Chan Wook để đôi nhân tình ở cùng nhau bên bờ biển, nhưng với tâm thế hoàn toàn khác. Tình yêu và tội lỗi như những cơn sóng cứ xô vào hai nhân vật, để rồi cuốn họ vào vòng quay nghiệt ngã của bánh xe số phận.
Khi một người rơi từ trên đỉnh núi, xác chết sẽ nát bấy nhưng cảnh sát vẫn phát hiện, nhận diện được.
Nhưng nếu bị biển cuốn đi, có thể họ sẽ biến mất và mãi mãi không trở lại, như lớp sương mù bất chợt tan đi ngay khi vầng dương ló dạng.
- Cơn ác mộng của Hollywood (05-Jun-2024)
- 'Venom' tung trailer phần cuối (05-Jun-2024)
- Cạm bẫy ‘sống ảo’ (03-Jun-2024)
- 'The Garfield Movie' - mèo lười phiêu lưu (03-Jun-2024)
- Hoạt hình Doraemon lập kỷ lục rạp Việt (03-Jun-2024)
- Tiêu Chiến hợp tác với Hoắc Kiến Hoa trong phim điện ảnh mới (31-May-2024)
- Hoạt hình 'Moana' tái xuất (31-May-2024)
- 'Furiosa' có doanh thu mở màn kém (28-May-2024)
- Là nữ thần vạn người mê, nay Triệu Lộ Tư tự đạp đổ hình tượng chỉ bằng 1 hành động (28-May-2024)
- 'The 8 Show' gây sốt (23-May-2024)