Điện ảnh

Chuyên Mục

'Thoát khỏi Mogadishu' - cuộc đào thoát có một không hai


Bom tấn điện ảnh "Escape from Mogadishu" chinh phục người xem khi tái hiện câu chuyện lịch sử khó tin hồi đầu thập niên 1990.


Chẳng những có doanh thu phòng vé cao nhất nhì Hàn Quốc năm 2021, Escape from Mogadishu (tựa Việt: Thoát khỏi Mogadishu) còn nhận cơn mưa lời khen từ giới chuyên môn, đồng thời giành hàng loạt giải thưởng danh giá như Buli, Rồng Xanh hay Baeksang (đều bao gồm hạng mục phim xuất sắc)...

Đánh dấu sự trở lại của ông hoàng hành động xứ kim chi Ryoo Seung Wan, tác phẩm lấy mốc thời gian đầu thập niên 1990. Lúc ấy, vì muốn củng cố vị thế trên trường quốc tế, Hàn Quốc đã quyết tâm gia nhập tổ chức Liên Hợp Quốc (UN) bằng mọi giá.

Để đạt được mục tiêu, chính phủ nhanh chóng thiết lập quan hệ với các quốc gia ở lục địa đen, đặc biệt là Somalia - nơi nắm giữ lá phiếu bầu quan trọng, và nỗ lực lấy lòng những nhà cầm quyền. Nhận ra điều này, đại sứ quán Triều Tiên tại đây lập tức lên kế hoạch cản bước “kẻ thù".

Trận chiến ngoại giao cứ thế tiếp diễn đến cuối năm 1990, khi lực lượng nổi dậy bất ngờ bao vây thủ đô Mogadishu nhằm lật đổ tổng thống Somalia đương nhiệm. Không thể liên lạc về quê nhà lẫn cạn kiệt lương thực, Đại sứ Hàn Quốc Han Shin Sung (Kim Yun Seok) cùng Đại sứ Triều Tiên Rim Yong Soo (Heo Jun Ho) đành bắt tay hợp tác để đưa nhân viên, gia đình mình rời khỏi đó an toàn.

Lối kể hấp dẫn, giàu tính giải trí

Khác hẳn phần đông tác phẩm chính kịch, lịch sử từ xứ kim chi vốn có nhịp chậm hoặc khâu thiết lập dài dòng, Escape from Mogadishu ghi điểm bởi tiết tấu dồn dập, hấp dẫn. Không chỉ cuốn khán giả vào cuộc chạy đua đầy rẫy chiêu trò để mua chuộc viên chức địa phương giữa hai phe Nam- Bắc Hàn, 20 phút đầu phim còn khéo léo khắc họa một nước Somalia đói nghèo, tiềm tàng nguy cơ loạn lạc.

Chẳng hề tỏ vẻ “nguy hiểm” và diễn thuyết màu mè, dàn nhân vật chính đều được giới thiệu ngắn gọn mà súc tích. Thông qua thái độ cùng cách phản ứng của họ trước những tình huống, chúng ta vẫn cảm nhận rõ một ngài đại sứ Han Shin Sung giàu tham vọng, giỏi “thảo mai” hay sự điềm tĩnh nhưng nhạy bén ở người đứng đầu đoàn ngoại giao Triều Tiên Rim Yong Soo.

Escape from Mogadishu là phim ăn khách tại phòng vé Hàn Quốc.

Nếu yêu thích loạt tác phẩm do Ryoo Seung Wan cầm trịch, người xem sẽ thấy Escape from Mogadishu cũng sở hữu kha khá chi tiết gây cười, nét đặc trưng rất riêng của vị đạo diễn này. Dẫu câu chuyện có nội dung nhạy cảm khi khai thác đề tài mâu thuẫn Triều Tiên - Hàn Quốc, màu sắc hài hước trải dài 2 tiếng thời lượng rất duyên dáng, không lố lăng.

Bởi lẽ, chúng xuất phát từ chính tính cách nhân vật hoặc hoàn cảnh éo le mà họ gặp phải. Ví dụ, cảnh chiếc vali chứa quà tặng tổng thống Somalia bị phiến quân (được phía Triều Tiên chỉ điểm) cướp mất, Han Shin Sung đã né tránh cuộc gọi từ ngài Bộ trưởng bằng cách giả làm nhiễu đường truyền: "Ở châu Phi thực ra cũng có cái lợi của nó".

Hơn nữa, mặc dù gửi gắm thông điệp nhân văn đề cao tình nghĩa đồng bào, tác phẩm chẳng hề sa đà vào việc câu kéo nước mắt. Tuy chấp nhận gạt bỏ mâu thuẫn chính trị nhằm tìm đường sinh tồn, cả hai bên vẫn cực kỳ cảnh giác lẫn nhau. Vì nếu để khoảnh khắc thân thiết với đối phương bị ai đó ghi hình/chụp lại, họ sẽ trở thành kẻ phản quốc trong mắt chính phủ nơi quê nhà.

Bối cảnh thú vị, hành động mãn nhãn

Rời xa xứ sở kim chi, Escape from Mogadishu đưa khán giả tới mảnh đất lục địa đen hoang sơ, đầy nắng, cát hồi đầu thập niên 1990. Kết hợp tiết trời oi bức, tình hình chính trị căng tựa dây đàn cùng các bản nhạc đậm đà bản sắc châu Phi (lối hát “gọi và phản hồi” đặc trưng cộng bộ gõ truyền thống Yoruba), đạo diễn Ryoo Seung Wan đã tạo nên bầu không khí phim rất đỗi thú vị.

Chưa kể, nhờ tham vấn ý kiến từ đội ngũ phóng viên chiến trường, mức độ tàn khốc của chiến tranh nơi tác phẩm được tái hiện chân thực. Đó là sự đối lập giữa khung cảnh náo nhiệt, sầm uất với vẻ hoang tàn, đổ nát của một khu chợ trước và sau cuộc binh biến, những con đường la liệt xác thường dân hoặc hình ảnh lũ trẻ lăm lăm trong tay khẩu súng đã lên đạn gây ám ảnh…

Tất cả chúng vừa mang lại cảm giác mới mẻ cho tín đồ phim Hàn Quốc, vừa gợi nhớ cộng đồng yêu điện ảnh về Black Hawk Down (Diều hâu gãy cánh, 2001), bom tấn chiến tranh kinh điển do đạo diễn Ridley Scott cầm trịch cũng xoay quanh nội chiến Somalia.

Tác phẩm của Ryoo Seung Wan có nhiều cảnh hành động mãn nhãn.

Góp phần làm nên thành công cho The Unjust (2010), The Berlin File (2013) hay Veteran (2015)… yếu tố hành động là “đặc sản” không thể thiếu ở mỗi đứa con tinh thần của Ryoo Seung Wan. Dẫu chiếm thời lượng ít hơn mấy dự án trước, các màn rượt đuổi, chạy trốn xuyên suốt Escape from Mogadishu vẫn được dàn dựng tỉ mỉ, thậm chí hạn chế kỹ xảo nhằm đem tới trải nghiệm thật nhất.

Đơn cử, bằng cú máy giả dài (long shot), bám đuôi ảo diệu cùng đại cảnh phố xá hoang tàn hoành tráng, trường đoạn nhóm nhân vật chính rời khỏi đại sứ quán trên 4 chiếc xe hơi dân dụng dán đầy sách và bao cát, liều mình vượt qua làn đạn, bom xăng dày đặc từ phía quân đội Somalia lẫn phe nổi dậy đảm bảo sẽ để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả.

Góc nhìn thiên vị, một chiều

Cách đây 5 năm, bom tấn dựa trên sự kiện có thật The Battleship Island (Đảo địa ngục, 2017) do Ryoo Seung Wan cầm trịch từng hứng chịu nhiều chỉ trích bởi nội dung phim xuyên tạc lịch sử, quá khác biệt so với thực tế. Đến Escape from Mogadishu, câu chuyện lần này đã giảm bớt độ hư cấu nhưng vẫn tồn tại sự thiên vị và thiếu khách quan.

Thoạt đầu, tác phẩm xây dựng hai đoàn ngoại giao Nam - Bắc Hàn khá ngang tài ngang sức. Mỗi bên đều có những nước đi cao tay hòng nắm thóp mấy tay quan tham Somalia lẫn cản trở đối phương. Tuy nhiên, lúc vụ bạo động nổ ra, phía Triều Tiên lại dần thất thế thấy rõ để rồi phải lệ thuộc hoàn toàn vào nhóm Hàn Quốc.

Bên cạnh đấy, lăng kính về người dân Somalia của phim khá phiến diện. Từ đầu tới cuối, những nhân vật da màu ở quốc gia ấy luôn bị khắc họa theo chiều hướng tiêu cực. Nếu như giới chức cầm quyền mặt dày đòi hỏi hối lộ, lực lượng cảnh sát địa phương phách lối, thì đám thanh niên sống tại khu ổ chuột cũng chẳng hề kém cạnh khi sẵn sàng bán đứng ân nhân giúp đỡ mình.

Đáng chú ý, nhược điểm vừa nêu hiện phổ biến trong các tác phẩm Hàn Quốc (cả truyền hình lẫn điện ảnh) khai thác bối cảnh nước ngoài, ví dụ series Sh**ting Stars (2022, châu Phi) hay mới đây là cú hích 12,5 triệu vé The Roundup (Việt Nam).

Tựu trung, Escape from Mogadishu là bom tấn điện ảnh chất lượng về cả nội dung, mảng nghe nhìn và diễn xuất. Cân đối tốt giữa tính giải trí với thông điệp giàu sức nặng.

Theo Zing News