Điện ảnh

Chuyên Mục

Phim về những đứa trẻ bị bỏ rơi


Kore-eda kể về tội lỗi và lòng trắc ẩn trong tác phẩm mới nhất “Broker”, kết hợp cùng ngôi sao “Parasite” Song Kang Ho.


Tình cảm gia đình và những số phận bị lãng quên là niềm cảm hứng xuyên suốt sự nghiệp đạo diễn Kore-eda Hirokazu.

Sau giải Cành cọ Vàng năm 2018 với phim Shoplifters, Kore-eda trở lại Cannes 2022 cùng tác phẩm nói tiếng Hàn, Broker (Người môi giới) và giành giải thưởng Phim hay nhất, cùng giải Nam diễn viên xuất sắc cho Song Kang Ho.

Broker dựa trên câu chuyện có thật về hệ thống nhận con nuôi ẩn danh - chiếc “hộp em bé” cưu mang hàng nghìn trẻ sơ sinh ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong phim, đứa trẻ bị bỏ rơi trở thành bài trắc nghiệm đạo đức và kết nối những con người cô đơn giữa thế giới hỗn loạn, thờ ơ.

Broker kể về một gia đình gồm những người xa lạ.

Bộ phim về gia đình không chung huyết thống

Phim theo chân hai hai tay môi giới Sang Hyeon (Song Kang Ho) và Dong Soo (Kang Dong Won), mang những đứa trẻ được gửi ở chiếc “hộp em bé” bán cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Tình huống oái oăm xảy ra khi người mẹ trẻ So Young (Lee Ji Eun) quay lại đòi con. Hai người thuyết phục cô nhập hội, tìm mái nhà mới cho bé.

Theo sát nhóm còn có hai nữ cảnh sát Su Jin (Doona Bae) và Lee (Lee Joo Young) đang chờ tóm gọn đường dây buôn bán trẻ em. Ý tưởng về chuyến đi lạ kỳ này gợi nhắc tới những Little Miss Sunshine (2006), Raising Arizona (1987), L’enfant (2005) song mang đậm ngôn ngữ điện ảnh của Kore-eda.

Sau Nobody Knows, I Wish, Like Father, Like Son, Shoplifters… Kore-eda tiếp tục đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Điều gì tạo nên gia đình?”. Cái tài của đạo diễn là se duyên cho người dưng một cách tự nhiên.

Theo nữ diễn viên Lee Ji Eun, các nhân vật trong phim là những mảnh ghép có hoàn cảnh khác nhau, trải qua một cuộc sống không mấy tươi đẹp, gặp gỡ và dần hiểu nhau.

Dong Soo, Hae Jin lớn lên trong trại trẻ mồ côi, từng nhen nhóm hy vọng vì mảnh giấy: “Mẹ sẽ trở lại”. Soo Young bị mẹ nuôi đưa vào con đường bán thân và thiếu vắng tình cha, Sang Hyun ra tù bị vợ con xa lánh.

Trải qua những ngày rong ruổi trên chiếc xe ọp ẹp, trải nghiệm những thú vui như bao gia đình đích thực, chuyến đi buôn trẻ trở thành hành trình kiếm tìm nơi gọi là nhà và hy vọng kết nối những trái tim đồng điệu.

Khoảnh khắc trấn an Hae Jin trên vòng đu quay hay những lúc ôm Woo Young trong vòng tay khiến Sang Yeon cảm nhận được thiên chức người cha mà lâu này anh bị khước từ. Dong Soo và So Young mở lòng với nhau từ những cử chỉ quan tâm thường nhật.

Phim dùng hình ảnh, âm nhạc nhằm mang đến những phép ẩn dụ thú vị.

Phân cảnh đặc sắc của phim là khi trung sĩ Soo Jin để lộ mặt yếu mềm và cô đơn khi đoạn nhạc Wise Up từ bộ phim Magnolia của Paul Thomas Anderson vang lên trong ôtô.

Nếu Magnolia là tác phẩm nơi cá nhân bị chính người cùng huyết thống gây thương tổn, thì Broker khẳng định bất kỳ ai trong xã hội cũng có thể tạo nên gia đình từ chính sự thấu cảm và sẻ chia.

Tiếng guitar acoustic và giai điệu piano dịu ngọt của nhà soạn nhạc Jung Jae Il, khung hình tối giản nhưng đủ lột tả vẻ đẹp con người và cảnh sắc Hàn Quốc từ đạo diễn hình ảnh Hong Kyung Pyo góp phần tạo nên bức chân dung cảm động về tình người, tình mẫu tử và hành trình chông gai kiếm tìm hạnh phúc.

Tiếp cận vấn đề qua góc nhìn đa chiều

Broker chọn đề tài mang tính thời sự, trong bối cảnh Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc vừa gỡ bỏ luật cấm nạo phá thai sau hơn nửa thập kỷ, còn công dân Mỹ đang sục sôi về phán quyết hủy bỏ quyền phá thai.

Theo Korea JoongAng Daily, Kore-eda muốn xóa bỏ định kiến người mẹ luôn có lỗi trong các vụ bạo hành gia đình hay trẻ em bị bỏ rơi.

Với việc chiếc “hộp em bé” gây tranh cãi, đạo diễn không phán xét đúng sai. Thay vào đó, ông để khán giả tự bóc tách và tìm hiểu động cơ đằng sau những con người đời thường nhưng ôm gánh nặng tâm lý phức tạp.

Pha trộn hài hước và các nỗi đau xã hội, bộ phim đúng chuẩn "cười ra nước mắt".

Khi bí mật của So Young dần được hé lộ, người xem mới hiểu việc cô từ bỏ quyền nuôi con là biểu hiện của tình mẫu tử và yêu thương. Người thay đổi quan điểm nhất trong phim là trung sĩ Soo Jin, đại diện cho dư luận phê phán So-young: “Đừng sinh con nếu định bỏ rơi chúng”.

Sau khi chứng kiến sự ân cần mà nhóm tội phạm dành cho nhau, cô cảm thông và muốn giúp đỡ họ.

Hay nhìn từ góc độ thứ ba, Sang Hyeon và Dong Soo đang trục lợi từ trẻ em. Nhưng bản thân họ xuất phát từ mong muốn để những đứa trẻ được hưởng tình thương trong các gia đình đích thực thay vì chịu chế độ quan liêu của cô nhi viện.

Họ dễ dàng thương cảm, chở che hai mẹ con và sẵn sàng hy sinh vì tương lai đứa trẻ. Kore-eda luôn tin vào phần thiện trong sâu thẳm mỗi con người và trao cho nhân vật của mình, dù từng phạm lỗi, động lực làm điều tốt đẹp một lần trong đời.

Mở màn từ người mẹ nhưng trẻ nhỏ mới là nhân vật trung tâm câu chuyện. Broker có cấu trúc xoay quanh ba chiếc hộp: Hộp đầu là hòm em bé bị bỏ lại, hộp tiếp theo là chiếc xe người môi giới dẫn theo em nhỏ và hộp cuối cùng mang tính biểu tượng, chính là xã hội vây quanh đứa trẻ.

Lời tâm sự của mỗi cặp vợ chồng hiếm muộn trong chuyến đi cũng là lát cắt phản ánh tầm quan trọng của trẻ em trong gia đình và xã hội. Chúng đại diện cho sự trong sáng, lạc quan, sức sống và niềm tin.

Nhà làm phim luôn đau đáu về số phận những sinh linh nhỏ bé bị cha mẹ ruồng bỏ. Liệu đó có là nỗi đau và ám ảnh tâm lý theo họ tới khi trưởng thành? Qua khoảnh khắc năm nhân vật trao nhau câu nói: “Cảm ơn bạn vì đã sinh ra đời”, Broker truyền tải thông điệp dù một người sinh ra ở đâu, lớn lên thế nào thì mọi cuộc sống đều đáng được tôn vinh.

Broker tiếp nối phong cách làm phim truyền thống của Kore-eda, cân bằng ngọt bùi và hiện thực cuộc sống.

Ngay cả khi lồng ghép vụ án giết người, những cảnh hành động hay dòng phim đường trường, bậc thầy kể chuyện vẫn tháo gỡ vấn đề chỉ bằng cái chạm nhẹ đầy tinh tế. Tuy không phải bộ phim hay nhất của Kore-eda, Broker để lại dư vị thanh khiết, dung dị, tiếp cho người xem niềm tin về cuộc sống.

Theo Zing News