Phim nước ngoài quay ở Việt Nam phải cung cấp kịch bản
Tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất phim trong nước phải cung cấp kịch bản tóm tắt và chi tiết nội dung sử dụng bối cảnh.
Chiều 15/6, với 90% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi). Luật quy định, tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất phim tại Việt Nam phải sử dụng dịch vụ do cơ sở điện ảnh trong nước cung cấp. Bối cảnh phim phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép.
Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm kịch bản tóm tắt và kịch bản chi tiết nội dung quay phim, bằng tiếng Việt. Hồ sơ được nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia, đường bưu điện, hoặc nộp trực tiếp. Nếu không cấp phép, Bộ phải nêu rõ lý do.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, khi thảo luận, có hai luồng ý kiến về vấn đề này. Thứ nhất, đồng ý phương án nhà làm phim nước ngoài phải cung cấp kịch bản tóm tắt và kịch bản chi tiết nội dung quay sử dụng bối cảnh tại Việt Nam. Điều này giúp cơ quan quản lý nhà nước bám sát được các yếu tố nhạy cảm, đồng thời tạo thuận lợi cho nhà làm phim quốc tế.
Ý kiến thứ hai đề nghị nhà làm phim nước ngoài cung cấp kịch bản phim đầy đủ bằng tiếng Việt vì tóm tắt chưa thể hiện toàn bộ nội dung phim. Kịch bản đầy đủ tạo điều kiện cho cơ quan quản lý đánh giá tổng thể, thẩm định, quản lý, đảm bảo yêu cầu về chính trị, quốc phòng, an ninh. Chính phủ lựa chọn phương án này.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy cả hai phương án đều có thể xảy ra rủi ro vì kịch bản phim sau khi được thẩm định, cấp phép vẫn có thể bị thay đổi. Vì vậy, Luật quy định dù thực hiện theo phương án nào, nhà làm phim nước ngoài đều phải cam kết không vi phạm các hành vi bị cấm, như vi phạm Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; xâm phạm chủ quyền quốc gia; gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, giá trị văn hóa Việt Nam. Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu về hai phương án, đa số lựa chọn phương án thứ nhất.
Một điểm mới của Luật Điện ảnh (sửa đổi) so với luật năm 2006 là: Cấm phim kích động bạo lực, hành vi tội ác, bằng việc mô tả chi tiết, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo.
Ngoài ra, luật quy định các đơn vị phát hành, phổ biến phim trong rạp, trên truyền hình và địa điểm công cộng phải có giấy phép phân loại phim của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định phát sóng của cơ quan báo chí.
Về phổ biến phim trên Internet, luật quy định trước khi phổ biến phim trên mạng, đơn vị sản xuất phải phân loại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại; thông báo danh sách phim sẽ chiếu trên mạng đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Luật Điện ảnh sửa đổi có tám chương, 48 điều, hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
- Phim kinh dị nặng đô Nhật Bản ra rạp Việt sau hơn 35 năm 'mất tích' (29-May-2024)
- Lý do phim của Lương Bích Hữu, Trương Thế Vinh thu chưa đầy 2 tỷ đồng (24-May-2024)
- Nguyễn Quang Dũng: 'Khó sống nếu không thuộc top 3 đạo diễn hàng đầu' (23-May-2024)
- 'Lật mặt 7' vào top ba phim Việt ăn khách nhất (22-May-2024)
- 'Án mạng lầu 4' hỏng vì phi logic nhưng chưa đến nỗi là thảm họa phim Việt (21-May-2024)
- 'Lật mặt 7' vượt mốc 400 tỷ đồng (18-May-2024)
- Phim 18+ của Xuân Lan lỗ (18-May-2024)
- 'Lật mặt 7' áp đảo bom tấn 'Hành tinh khỉ' (14-May-2024)
- Sau Lý Hải và Trấn Thành, ai sẽ là đạo diễn nghìn tỷ đồng? (13-May-2024)
- Lý Hải, Trấn Thành giúp doanh thu rạp Việt vượt 2.000 tỷ đồng (10-May-2024)