Người nổi tiếng

Chuyên Mục

Vì sao nghệ sĩ Trung Quốc không còn 'kéo quân, trẩy hội' tại Cannes?


Thảm đỏ LHP Cannes từng là "thánh địa" của nghệ sĩ Trung Quốc. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, có ít ngôi sao gốc Hoa tham dự sự kiện.


Theo Tân Hoa Xã, Liên hoan phim Cannes (LHP Cannes) từng chứng kiến sự xuất hiện hùng hậu của nghệ sĩ Trung Quốc trên thảm đỏ. Có hơn 50 người nổi tiếng xứ tỷ dân đến Cannes trong mỗi kỳ tổ chức. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, sự kiện điện ảnh danh giá tại Pháp không còn là cuộc trẩy hội của giới sao Trung Quốc.

Thang Duy là ngôi sao gốc Hoa nổi bật nhất ở Cannes 2022. Ảnh: Sina.

"Ngày càng mờ nhạt và thưa thớt", truyền thông đánh giá về tầm ảnh hưởng của showbiz Trung Quốc tại Cannes. Ở liên hoan phim lần thứ 75, Thang Duy, Minh Đạo, Ngô Ngạn Tổ, Trần Pháp Lai, vợ chồng nghệ sĩ Lưu Thi Côn - Tôn Dĩnh là những ngôi sao gốc Hoa hiếm hoi tham dự.

Sina có bài viết lý giải vì sao quân đoàn người nổi tiếng Trung Quốc không còn đổ bộ thảm đỏ Cannes trong vài năm trở lại đây.

Điện ảnh Hoa ngữ vắng bóng

Theo Sina, trong số những gương mặt nghệ sĩ gốc Hoa ít ỏi xuất hiện tại Cannes 2022, chỉ duy nhất Thang Duy có phim tranh giải. Tuy nhiên, tác phẩm Decision to Leave mà nữ nghệ sĩ tham gia diễn xuất thuộc về nền điện ảnh Hàn Quốc, do đạo diễn Park Chan Wook thực hiện.

Năm nay, ngành điện ảnh xứ tỷ dân không gửi bất kỳ tác phẩm nào đến Cannes tranh tài. QQ cho biết đây là lần hiếm hoi phim Hoa ngữ hoàn toàn "vắng bóng" trong danh sách 21 phim cạnh tranh ở hạng mục Cành cọ Vàng.

Niềm an ủi gỡ gạc cho họ là vẫn có Chương Tử Di được mời làm giám khảo. Người đẹp Ngọa hổ tàng long giữ nhiệm vụ đánh giá, chấm điểm các phim tranh giải Cannes XR - VeeR Future Award - hạng mục dành cho tác phẩm áp dụng công nghệ thực tế ảo.

Điện ảnh xứ tỷ dân có hồi ức huy hoàng tại Liên hoan phim Cannes. Ảnh: Toutiao.

Từ năm 1959, Trung Quốc có phim đầu tiên tham gia LHP Cannes. Nhưng phải đến năm 1993, câu chuyện về điện ảnh Trung Quốc tại giải thưởng hàng đầu thế giới mới rẽ sang chiều hướng khác. Tác phẩm Bá Vương biệt Cơ của Trần Khải Ca gây chấn động khi đoạt giải Cành cọ Vàng.

Tại Liên hoan phim Cannes 1994, Phải sống của Trương Nghệ Mưu được Giải thưởng lớn do ban giám khảo đánh giá. Bộ phim giúp Cát Ưu đi vào lịch sử điện ảnh Trung Quốc khi trở thành nghệ sĩ đầu tiên nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc. Năm 1997, Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ có tên trong đề cử Nam chính xuất sắc nhờ tác phẩm về tình yêu đồng tính Happy Love. Vương Gia Vệ giành giải Đạo diễn xuất sắc.

Tại Liên hoan phim lần thứ 53, ngành phim ảnh Hoa ngữ gây ấn tượng với cú hat-trick giải thưởng. Đạo diễn người Đài Loan Dương Đức Xương được vinh danh hạng mục Đạo diễn xuất sắc, bộ phim Quỷ dữ trước cổng của Khương Văn đoạt Giải thưởng lớn. Trong khi Lương Triều Vỹ được xướng tên ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc với tác phẩm Tâm trạng khi yêu.

Những năm sau, điện ảnh Trung Quốc tiếp tục có bước đột phá, trở thành thế lực nổi bật trên bản đồ phim thế giới. Có thể kể đến Trương Mạn Ngọc thắng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhờ tác phẩm Clean, đạo diễn Giả Chương Kha được trao giải Thành tựu trọn đời, Spring Fever hay A Touch of Sin giành giải Kịch bản hay nhất.

Theo Sina, dấu ấn của ngành điện ảnh xứ tỷ dân tại Cannes chấm dứt kể từ sau năm 2015. Vài năm qua, số lượng tác phẩm Hoa ngữ góp mặt tranh giải ở sự kiện bị đánh giá rải rác, không để lại ấn tượng với giới chuyên môn. Năm 2019, bộ phim Gặp gỡ ở nhà ga phía nam do Hồ Ca, Quế Luân Mỹ, Liêu Phàm, Vạn Thiến đóng chính tranh giải Cành cọ Vàng chỉ nhận 2,7 điểm chất lượng trong thang điểm 4.

Theo Sina, điện ảnh Trung Quốc đang sa sút vị thế ở các liên hoan phim lớn. Những năm qua, họ giảm đáng kể số lượng phim nghệ thuật, nhưng lại thừa mứa phim thương mại. Những dự án được sản xuất với mục đích kiếm tiền, phục vụ thị hiếu cho thị trường tỷ dân không đáp ứng chuyên môn nghệ thuật để tranh giải ở Cannes.

Vì vậy, ba năm trở lại đây, QQ cho biết Cannes trở thành sân chơi cọ xát của đạo diễn trẻ Trung Quốc. Những phim mang mác "Made in China" được công chiếu tại sự kiện phần lớn mang tính quảng bá. Năm 2020 và 2021, Trung Quốc mang đến liên hoan phim Striding into the Wind, Streetwise, Ripples of Life của Ngụy Thư Vận và Na Gia Hựu. Các tác phẩm này đều chiếu ở bên ngoài trung tâm hội nghị Le Palais.

Đại dịch và thiếu sao đẳng cấp quốc tế

Theo Sina, để sở hữu tấm vé đến Cannes không phải chuyện khó với người Trung Quốc. Trang tin cho biết có bốn hình thức để nghệ sĩ xứ tỷ dân danh chính ngôn thuận xuất hiện trên thảm đỏ LHP danh giá.

Đầu tiên là có tác phẩm điện ảnh tranh giải hoặc được công chiếu như trường hợp của Củng Lợi, Chương Tử Di, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc. Thứ hai là được ban tổ chức mời với danh xưng khách mời danh dự như Phạm Băng Băng, hay thuộc thành phần ban giám khảo điển hình là Trương Chấn, Giả Chương Kha.

Nếu không thuộc hai diện "có giá" trên, nghệ sĩ sẽ thông qua thương hiệu đại diện để lấy vé mời. Đây là cách nhiều ngôi sao xứ tỷ dân sử dụng để đến Cannes, có thể kể đến Dương Mịch, Cổ Lực Na Trát, Lý Vũ Xuân, Côn Lăng, Lưu Đào. Trên thảm đỏ Cannes ngày 24/5, Minh Đạo thừa nhận được dự sự kiện nhờ sắp xếp của nhãn hàng anh làm đại diện.

Nghệ sĩ xứ tỷ dân như Phạm Băng Băng, Trương Hinh Dư, Trương Vũ Kỳ khuấy đảo thảm đỏ Cannes. Ảnh: Sohu.

Số khác là đa phần sao kém tiếng bỏ tiền túi mua vé dự thảm đỏ với giá hàng nghìn USD. Nữ diễn viên Lữ Giai Dung, Trương Hinh Dư, Thi Dư Phi, Triệu Hân từng thừa nhận có suất dự Cannes nhờ chịu chi. Theo Sina, nghệ sĩ dự Cannes không có phim tranh giải luôn bị chê cười, mỉa mai.

Sau LHP Cannes lần thứ 72 (2019), giới sao Hoa ngữ vắng bóng trên thảm đỏ sự kiện. Theo Sina, đại dịch Covid-19 nguyên nhân chủ yếu khiến nghệ sĩ xứ tỷ dân ngại dự liên hoan phim quốc tế. Biện pháp chống dịch nghiêm ngặt theo chiến lược "Zero Covid" cản bước các ngôi sao dự Cannes.

Theo quy định, nếu nhập cảnh từ nước ngoài vào Trung Quốc, họ buộc trải qua 14 ngày cách ly y tế trước khi tham gia sinh hoạt bình thường tại Đại lục. Việc phải cách ly nửa tháng làm xáo trộn công việc, thậm chí có thể gây thiệt hại kinh tế với nghệ sĩ. Vì vậy, giới sao Hoa ngữ sẽ không vì vài ngày dự Cannes lấy tiếng mà hy sinh một tháng lịch trình hái ra triệu USD tại Trung Quốc.

QQ cho biết nguồn cung vé tài trợ Cannes từ những thương hiệu lớn hiện nay tập trung chủ yếu ở showbiz Đại lục. Khi giới sao thuộc thị trường giải trí hùng mạnh nhất Trung Quốc từ chối tham gia, thảm đỏ liên hoan phim danh giá hiển nhiên vắng vẻ đại diện gốc Hoa.

Ngoài vấn đề đại dịch Covid-19, showbiz Trung Quốc hiện nay khan hiếm nghệ sĩ mang đẳng cấp quốc tế. Phạm Băng Băng lao dốc danh tiếng và hình ảnh sau bê bối trốn thuế năm 2018, nhóm minh tinh và tài tử hàng đầu như Châu Tấn, Chương Tử Di, Lương Triều Vỹ, Củng Lợi, Lý Băng Băng... người rẽ hướng đóng phim thương mại theo xu thế thị trường, người tạm dừng diễn xuất. Vì vậy, ban tổ chức Cannes cũng không còn quá nhiều sự lựa chọn với tấm vé mời danh dự cho sao Trung Quốc.

Theo Zing News