Người nổi tiếng

Chuyên Mục

Thần tượng bị bóc lột?


Trong bài viết của JoongAng Ilbo, giới chuyên gia nhận định thần tượng Kpop đang bị bóc lột về tình cảm khi tham gia các ứng dụng nhắn tin cho người hâm mộ.


Các nền tảng nhắn tin dành cho người hâm mộ trên di động đang nổi lên như một động lực tăng trưởng mới và là “miếng mồi béo bở” cho ngành công nghiệp Kpop. Ở đó, người hâm mộ trả một mức phí để nhận được tin nhắn từ thần tượng họ yêu thích. Tuy nhiên, mặt trái xoay quanh các nền tảng này cũng dần xuất hiện. Nguyên nhân là người hâm mộ phải trả cùng một mức phí nhưng tần suất gửi tin nhắn và ảnh của các thần tượng rất khác nhau.

Theo JoongAng Ilbo, một số chuyên gia ​​cho rằng giới thần tượng vốn có lịch trình bận rộn nay còn bị bóc lột tình cảm. Giao tiếp cưỡng bức là một loại “lao động tình cảm”. Đây là lý do nhiều người lo ngại những nền tảng nhắn tin có thể trở thành dịch vụ thu phí bất hợp lý.

Những cuộc tranh cãi không hồi kết

Vừa qua, người dùng nền tảng Dear You Bubble tranh luận vì tấm ảnh mới của Jaehyun - thành viên nhóm NCT. “Bạn phải trả 4.500 won để có được một bức ảnh thô thiển như vậy ư?” là tiêu đề bài viết xoay quanh vụ việc. Bubble là dịch vụ mà thành viên các nhóm nhạc thần tượng gửi tin nhắn cá nhân cho người hâm mộ với giá 4.500 won mỗi tháng.

Jaehyun bị người hâm mộ chỉ trích.

Cách đây ít ngày, Jaehyun đăng một bức ảnh tự chụp nhưng được nhận xét qua loa, không rõ mặt. Đây là bức ảnh đầu tiên của nam ca sĩ sau 19 ngày im ắng. Người hâm mộ phàn nàn về bức ảnh này: "Tôi không cảm thấy sự chân thành" hay "Xin trả lại tiền cho tôi".

Joy của nhóm nhạc nữ Red Velvet cũng không gửi tin nhắn trong vòng một tháng vào năm 2021. Vì vậy nữ ca sĩ vấp phải rất nhiều lời chỉ trích.

Hiện tại, cuộc tranh luận về Bubble diễn ra sôi nổi giữa các fan. Người hâm mộ đánh giá mức độ nhiệt tình, chân thành của các thần tượng thông qua lượng tin nhắn họ gửi trong một tháng.

Hiện tại, số người đăng ký NCT và Stray Kids chiếm 49% trong tổng số người sử dụng Bubble. Nếu muốn đăng ký nhận tin nhắn từ 23 thành viên NCT, fan phải bỏ ra mức chi phí là 88.500 won mỗi.

Một người hâm mộ NCT cho biết: "Tôi nhận được tin nhắn nhiều nhất là hai hoặc ba lần một tháng. Vì vậy tôi đã hủy đăng ký vì thấy buồn". Tuy nhiên, một khán giả khác phản bác: "Những nghệ sĩ tôi đăng ký gửi tin nhắn chân thành và nhiệt tình. Tuy nhiên việc họ phải chia sẻ lợi nhuận với những thành viên không có nhiều fan đăng ký thật vô lý".

JoongAng Ilbo nhận định tỷ lệ duy trì đăng ký trên nền tảng kể trên vẫn ở mức 90% bất chấp sự không hài lòng của các fan. Park Min Joo, một nhà nghiên cứu tại Hanyang Securities, cho biết: “Tỷ lệ duy trì đăng ký trong tháng tiếp theo vẫn là hơn 90%. Tranh cãi không ảnh hưởng đến tỷ lệ duy trì đăng ký tổng thể”.

Nhờ đó, nền tảng người hâm mộ được gọi là tương lai của Kpop. Bubble, được điều hành bởi Dear You, một công ty con của SM Entertainment. Bubble bắt đầu dịch vụ vào tháng 2/2020 và hiện có hơn 1,4 triệu người đăng ký trả phí. Tổng cộng 296 người, bao gồm nghệ sĩ, vận động viên… từ 23 công ty như SM và JYP Entertainment giao tiếp với người hâm mộ qua ứng dụng này.

Joy từng gây tranh cãi vì ít đăng bài trên ứng dụng nhắn tin.

Chức năng dịch thuật cũng được cung cấp, vì vậy khoảng 71% người đăng ký là người hâm mộ toàn cầu. Doanh thu và lợi nhuận hoạt động năm 2021 là 13,2 tỷ won.

Liên quan đến tranh cãi, một nhân viên từ SM cho biết: "Chúng tôi khuyến nghị các nghệ sĩ sử dụng nền tảng mỗi tuần một lần. Tuy nhiên, rất khó để duy trì tần suất vì đây là dịch vụ tập trung vào các cuộc trò chuyện tự nguyện với người hâm mộ”.

Vấn đề nan giải
Weverse - nền tảng tương tự do công ty quản lý BTS là HYBE vận hành - đã có 38 triệu người đăng ký tính đến cuối năm 2021. Doanh thu hàng năm tăng nhanh lên 258,7 tỷ won vào năm 2021. Không giống Bubble, Weverse miễn phí giao tiếp với các nghệ sĩ. Thay vào đó, nó kiếm lợi nhuận thông qua hàng hóa và vé concert.

Vào tháng 1, bộ đồ ngủ và gối bông mà thành viên Jin của BTS tham gia thiết kế được bán với giá lần lượt là 119.000 won và 69.000 won. Theo JoongAng Ilbo, đây là một ví dụ tiêu biểu cho hành vi tống tiền. Đồ ngủ cotton có giá khác nhau, nhưng thường có thể mua được với giá 15.000 đến 40.000 won.

Việc công ty bán 7 chiếc mặt nạ dùng một lần có in logo của ca khúc hit Butter với giá 35.000 won cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Công chúng tức giận vì công ty của BTS bán đồ với giá quá đắt.

Ngoài ra, mỗi nghệ sĩ có những khuynh hướng giao tiếp khác nhau. Do đó, việc buộc họ giao tiếp theo cùng một cách là vấn đề nan giải. Có những người bẩm sinh rất hay nói, nhưng nhiều người lại vụng về và kín tiếng trong việc bày tỏ lòng biết ơn đối với fandom.

Taeyeon, thành viên nhóm SNSD đã giải thích về Bubble trong một buổi phát sóng trực tiếp với người hâm mộ. Nữ ca sĩ bày tỏ cảm giác áp lực khi phải tham gia ứng dụng này. Đặc biệt, giới chuyên môn chỉ ra cường độ lao động thần tượng đã tăng lên khi dịch bệnh Covid-19 dần qua đi.

Các thần tượng Kpop phải tăng cường truyền thông kỹ thuật số như phát sóng trực tiếp trên trang cá nhân hay nhiều nền tảng khác. Khi số lượng nền tảng tăng lên, nội dung được cung cấp cũng tăng lên, điều này cuối cùng dẫn đến việc kéo dài thời gian làm việc của các thần tượng.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon Sik nói với JoongAng Ilbo: "Các nền tảng có thể tốt cho người hâm mộ nhưng đòi hỏi công sức tinh thần rất lớn với các thần tượng. Họ vốn chạy theo lịch trình bận rộn và phải gửi tin nhắn thường xuyên".

Theo Zing News