'Đêm tối rực rỡ': Phim gai góc về bạo hành gia đình
Ông Toàn thường đánh đập các con lúc nhỏ nhưng khi vỡ nợ vì bài bạc phải nhờ chúng giúp đỡ, cứu mạng trong phim "Đêm tối rực rỡ".
Phim gói gọn trong một buổi đêm của gia đình ở miền Nam, ông Toàn (Kiến An) cùng vợ Gái (Phương Dung) đang lo tang lễ cho người cha giàu có mới qua đời. Họ tổ chức buổi lễ hoành tráng, náo nhiệt đúng như phong tục địa phương. Tuy nhiên, ông Toàn đang nợ xã hội đen rất nhiều tiền vì thua bạc, trong khi đã bán hết gia sản của cha để lại. Những người đòi nợ bao vây, canh chừng quanh ngôi nhà để đe dọa, cấm ông bỏ trốn.
Gia đình ông Toàn có ba con: Kim Hoàng (Vũ Xuân Trang), Xuân Thanh (Nhã Uyên) và Kim Bảo (Kim B). Ba người trở về nhà làm đám tang ông nội sau nhiều năm không gặp. Kim Hoàng đã có vợ và hai con, thường xuyên ở gần cha mẹ với hy vọng được nhận phần thừa kế lớn hơn. Xuân Thanh - bị trầm cảm - mới ly dị chồng đại gia và đang tìm cách giành quyền nuôi con gái. Kim Bảo - từng bỏ nhà, nghiện ngập - hiện làm chủ tiệm xăm với bạn trai ngoại quốc.
Giữa đám tang, ông Toàn thú nhận nợ nhiều tiền và cần trả trước 6h sáng hôm sau, mong các con giúp đỡ. Hoàng, Thanh và Bảo đùn đẩy nhau vì mỗi người đều có uẩn khúc riêng. Buổi tối tràn ngập ánh đèn, âm nhạc trở thành quả bom nổ chậm cho bi kịch sắp xảy ra với gia đình ông Toàn. Đồng thời, các thành viên trong nhà cũng dần lộ ra những điều sâu kín mà họ che giấu nhiều năm qua.
Đêm tối rực rỡ khai thác nhiều vấn đề trong xã hội, đặc biệt là vấn nạn bạo hành gia đình, với góc nhìn và lối kể chuyện nghiêm túc.
Tất cả bi kịch trong phim xuất phát từ cách nuôi dạy "thương cho roi cho vọt" lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bạo lực gia đình được miêu tả như một căn bệnh có tính lây lan mạnh mẽ. Ông Toàn được nuôi dưỡng bởi người cha nghiêm khắc, cứng rắn. Khi trưởng thành, ông trở thành người gia trưởng, thường đánh vợ con khi họ làm trái lời.
Xuân Thanh và các anh em lớn lên cùng đòn roi, chứng kiến mẹ bị cha đánh đập. Quá khứ trở thành vết thương tâm lý nặng nề với cô, dẫn đến căn bệnh trầm cảm. Xuất thân từ gia đình không hạnh phúc ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hôn nhân của Thanh, dẫn đến vụ ly dị và bị chồng cấm gặp con. Bà Gái hay Xuân Thanh là nạn nhân nhưng cũng trở thành người gây ra đau đớn cho con cái những lúc tức giận. Bạo hành giống một thói quen ngấm sâu vào hành vi, suy nghĩ của họ từ lúc nào không hay.
Phim khuyến khích người xem lên tiếng, phản kháng trước bạo hành, chủ yếu nằm trong hành động của tuyến nhân vật nữ. Bà Gái giấu cuốn sổ đỏ để ông Toàn không thể bỏ trốn, mặc gia đình ở lại. Kim Bảo cãi vã và xô xát với cha khi biết chân tướng về khoản nợ của ông. Đỉnh điểm, Xuân Thanh vượt qua những ám ảnh quá khứ và đứng lên bảo vệ những người mình yêu thương khỏi nắm đấm của người đàn ông bạo hành.
Tác phẩm cũng đề cập nhiều vấn đề tồn tại trong xã hội như tư tưởng trọng nam khinh nữ, tính nam độc hại, thói sĩ diện hão hay các căn bệnh tinh thần. Các đề tài được lồng ghép trong mạch phim để tăng sức nặng cho kịch bản. Tất cả vừa là kết quả vừa là lời giải thích cho hành động bạo hành của các nhân vật. Ông Toàn ưu ái con trai và cháu đích tôn khiến mối quan hệ giữa họ và các thành viên nữ trong nhà rạn nứt. Những đàn ông trụ cột gia đình không tập trung làm ăn, chỉ rình cơ hội trục lợi từ các khoản thừa kế và bài bạc, nhậu nhẹt. Kết quả, phụ nữ trở thành nạn nhân với những vết thương tinh thần, thể xác. Những nỗi đau ngày càng trầm trọng qua các thế hệ, từ bà Gái đến hai chị em Thanh - Bảo cho đến tầng lớp cháu chắt.
Phong tục ăn mừng, múa hát trong đám tang của miền Nam cũng góp phần thúc đẩy câu chuyện phim. Gia đình ông Toàn phải tỏ ra vui vẻ trong thời điểm hiểm nghèo nhất, khi xã hội đen đang lảng vảng xung quanh chờ trời sáng. Họ vừa cố gắng giữ thể diện với làng xóm, vừa tìm cách giải quyết các vấn đề nội bộ. Dù vỡ nợ, ông Toàn vẫn chọn tổ chức đám ma hoàng tráng, xa xỉ. Sự cố gắng giấu diếm này cũng là môi trường hoàn hảo cho bạo hành sinh sôi, nảy nở trong gia đình. Bộ phim truyền tải thông điệp rằng che giấu, lảng tránh không bao giờ là cách giải quyết những điều xấu xa trong cuộc sống.
Nhà làm phim người Mỹ Aaron Toronto - có kinh nghiệm gần 20 năm trong làng điện ảnh Việt - thể hiện sự chắc tay khi lần đầu ngồi ghế đạo diễn. Anh chọn thể loại tâm lý - giật gân để phát triển kịch bản giàu tính bình luận xã hội do chính vợ Nhã Uyên viết. Toàn bộ câu chuyện với nhiều tình tiết được kể trọn vẹn trong bối cảnh thời gian ngắn. Phim mở đầu với đêm tối và kết thúc vào buổi sáng hôm sau. Quãng thời gian ngắn ngủi cũng giúp tăng kịch tính. Các phân đoạn đều được tính toán kỹ, có dụng ý riêng. Êkíp thể hiện sự nghiêm túc trong việc tìm tòi, nghiên cứu các phong tục tập quán địa phương khi đưa lên phim.
Nửa đầu tác phẩm, Toronto tạo cảm giác tâm linh, bí ẩn với khung cảnh đám ma và buổi đêm. Các nhân vật dần xuất hiện, gây tò mò khi úp mở về những bí mật họ đang giấu kín. Câu chuyện dần chuyển hướng giật gân khi có sự xuất hiện của mafia và chân tướng khoản nợ của ông Toàn bị lộ. Kịch tính tăng cao với hàng loạt tình tiết cao trào khi lần lượt các thành viên gia đình lãnh hậu quả cho những sai lầm của họ.
Với quan điểm "đào sâu vào chỗ tối tăm, sẽ thấy được ánh sáng", êkíp chọn những hình ảnh chân thực, giàu sức nặng trên màn ảnh. Các hình ảnh về bạo hành gia đình được tái hiện sống động, chân thực. Nhiều phân đoạn có hiệu ứng mạnh về thị giác và cảm xúc như ông Toàn tát, nhấn đầu vợ vào chum nước. Căn bệnh trầm cảm của Xuân Thanh cũng được xoáy sâu, với những phân đoạn dài miêu tả nỗi đau tinh thần, thể xác của cô.
Hướng đi này khiến phần lớn thời lượng phim khá nặng nề. Đạo diễn giảm sự căng thẳng cho khán giả bằng một cái kết vĩ thanh giàu sức gợi. Các thành viên trong gia đình trở nên gần gũi hơn sau khi thấu hiểu và chấp nhận những thiếu sót của người thân.
Là tác phẩm kinh phí thấp cùng dàn diễn viên không đồng đều thực lực, Đêm tối rực rỡ còn một số điểm thiếu sót. Nhiều tình tiết trong kịch bản chưa hợp lý, đặc biệt là các sự việc liên quan băng đảng xã hội đen. Phần lớn thoại thiếu tự nhiên, dài dòng. Tuy nhiên, về tổng thể, phim đem đến một kịch bản gốc giàu ý nghĩa và có sức nặng, điều đang khá thiếu với điện ảnh Việt những năm gần đây. Tác phẩm có một số hình ảnh gây cảm xúc mạnh về bạo lực, tự tử, khán giả cần cân nhắc kỹ trước khi ra rạp.
- Phim kinh dị nặng đô Nhật Bản ra rạp Việt sau hơn 35 năm 'mất tích' (29-May-2024)
- Lý do phim của Lương Bích Hữu, Trương Thế Vinh thu chưa đầy 2 tỷ đồng (24-May-2024)
- Nguyễn Quang Dũng: 'Khó sống nếu không thuộc top 3 đạo diễn hàng đầu' (23-May-2024)
- 'Lật mặt 7' vào top ba phim Việt ăn khách nhất (22-May-2024)
- 'Án mạng lầu 4' hỏng vì phi logic nhưng chưa đến nỗi là thảm họa phim Việt (21-May-2024)
- 'Lật mặt 7' vượt mốc 400 tỷ đồng (18-May-2024)
- Phim 18+ của Xuân Lan lỗ (18-May-2024)
- 'Lật mặt 7' áp đảo bom tấn 'Hành tinh khỉ' (14-May-2024)
- Sau Lý Hải và Trấn Thành, ai sẽ là đạo diễn nghìn tỷ đồng? (13-May-2024)
- Lý Hải, Trấn Thành giúp doanh thu rạp Việt vượt 2.000 tỷ đồng (10-May-2024)