Điện ảnh

Chuyên Mục

Kiểm duyệt phim Việt cởi mở với cảnh 18+


Xem phim 18+ "Bẫy ngọt ngào" ở rạp, nhiều khán giả ngạc nhiên trước cảnh "nóng" táo bạo của cặp vợ chồng trẻ.


Tối 25/2, Huỳnh Châu (25 tuổi, quận Tân Bình) cùng bạn xem suất chiếu muộn của Bẫy ngọt ngào tại một rạp trung tâm TP HCM. Nam khán giả cho biết dù phim chiếu đã hai tuần, vẫn thu hút đông người xem. Khán giả đánh giá phim có chất lượng trung bình vì diễn xuất tròn trịa nhưng kịch bản thiếu logic. "Điều làm tôi ngạc nhiên là tác phẩm có nhiều cảnh 'nóng' được xử lý táo bạo, như cảnh người vợ bị chồng bạo hành tình dục. Tôi ít thấy các cảnh này ở phim Việt ra rạp trước đây", Huỳnh Châu nói.

Quốc Trường (phải) và Bảo Anh trong phim "Bẫy ngọt ngào". Ảnh: CJ

Ra mắt ngày 11/2, Bẫy ngọt ngào thuộc dòng phim chick-flick (dành cho phái nữ), khai thác mặt trái hôn nhân. Trong đó, bạo hành tình dục là yếu tố được đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư chú trọng nhằm bật lên bi kịch của nữ chính. Đạo diễn cho biết phim không bị cắt cảnh nào khi kiểm duyệt, bản công chiếu giống như bản dựng cuối. Uyên Thư nói: "Tôi mừng vì tác phẩm ra rạp đúng như nguyện vọng. Với êkíp, các cảnh 'nóng' đều bám sát mạch kịch bản, không bị dư thừa hay chỉ phục vụ mục đích câu khách".

Bẫy ngọt ngào không phải phim 18+ duy nhất gần đây vượt "ải" Hội đồng duyệt phim quốc gia. Ra mắt hôm 18/2, Người tình (đạo diễn Lưu Huỳnh) - phim Minh Tú đóng chính - tập trung nhiều cảnh "nóng" táo bạo. Phim kể về mối quan hệ tay tư của Diễm Tình cùng chồng, bạn thân chồng và người yêu cũ. Ngoài cảnh quan hệ của các đôi, tác phẩm rải rác hình ảnh nhân vật khỏa thân trong phòng tắm hoặc chỉ mặc nội y, soi mình trước gương. Nhiều câu thoại về tình dục được đạo diễn cài cắm như cách giúp nhân vật bộc bạch nỗi đau.

Chuyện ma gần nhà cũng là tác phẩm 18+ ra rạp thành công mà không bị cắt. Phim gây chú ý với yếu tố ghê rợn, chủ yếu ở khâu tạo hình ma quỷ. Chẳng hạn, ở đoạn minh tinh Ái Như (Khả Như) lột mặt để thay đổi nhân dạng, êkíp chăm chút ở phần hóa trang để khắc họa cảnh nhân vật bóc từng lớp da rướm máu. Hình ảnh ma quỷ cụt đầu lặp đi lặp lại trong phim. Nhiều đoạn mang tính bạo lực vẫn được giữ, như cảnh nhà ngoại cảm Bích (Vân Trang) bị sát hại, đầu cô rơi xuống sau khi hung thủ ra tay.

Ngoài ra, yếu tố "ma giả, ma thật" - vốn là hạn chế của phim kinh dị Việt - cũng được khắc phục ở Chuyện ma gần nhà. Trước đây, do khâu kiểm duyệt, một số phim Việt thường khiến người xem hụt hẫng vì yếu tố ma quỷ không được khai thác đến nơi đến chốn. Sau những màn hù dọa, phim thường kết thúc bằng chi tiết mọi sự việc do nhân vật chính hoang tưởng, hoặc do người khác giật dây. Trong Chuyện ma gần nhà, mọi thế lực đứng sau đều là các thực thể quỷ dị, vong hồn, người biết tà thuật... Đại diện êkíp cho biết: "Nhờ kiểm duyệt cởi mở, chúng tôi không bị cắt cảnh nào, giữ được tinh thần bộ phim đúng như ý tưởng ban đầu".

Các đạo diễn nhìn nhận việc một số tác phẩm gần đây không bị kiểm duyệt cắt cảnh là dấu hiệu tích cực. Trần Hữu Tấn - đạo diễn Chuyện ma gần nhà - đánh giá điều này giúp các tác phẩm đến với công chúng được trọn vẹn. Anh nói: "Đây cũng là động lực để các nhà làm phim mạnh dạn thực hiện các cảnh quay gai góc hơn, chẳng hạn trong thể loại kinh dị, để phục vụ nhu cầu thưởng thức đa dạng của khán giả".

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết gần đây, khâu duyệt phim cởi mở hơn do Hội đồng duyệt phim quốc gia có sự trẻ hóa khi thay đổi một số thành viên trong nhiệm kỳ mới (2021 - 2023). Theo ông Thành, nhiều nhân sự của Hội đồng như nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà biên kịch Hạnh Lê... có cái nhìn trẻ trung, quan điểm bám sát xu hướng chung của điện ảnh thế giới. Ông thường trao đổi với Hội đồng nên có cái nhìn thoáng hơn khi duyệt phim, đồng thời phải bám sát hai nguyên tắc nội dung bất di bất dịch: đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, và chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

"Tôi cũng quán triệt với hội đồng rằng, với điện ảnh, giải trí là yếu tố không thể thiếu được. Ngoài ra, chúng ta cũng đã dán nhãn phim theo độ tuổi, do đó cần nhìn nhận cởi mở hơn với vấn đề tình dục, bạo lực ở mức chấp nhận được", ông Vi Kiến Thành nói.

"Ròm" từng đoạt giải thưởng quốc tế dù khi ấy không vượt được vòng kiểm duyệt trong nước. Ảnh: CJ

Một thời gian dài, nhiều dự án điện ảnh Việt lao đao vì không vượt được kiểm duyệt. Năm 2019, Thất sơn tâm linh (tên cũ là Thiên linh cái, kể về vụ án giết người hàng loạt) phải chỉnh sửa nhiều tháng để được duyệt. Bản chiếu rạp trở nên rời rạc, gây khó hiểu về câu chuyện. Cùng năm, phim Ròm (đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy) bị phạt 40 triệu vì thi ở LHP Busan (Hàn Quốc) khi chưa có giấy phép phổ biến trong nước. Tác phẩm không vượt qua đợt kiểm duyệt vào tháng 9 do Hội đồng duyệt phim quốc gia đánh giá mang góc nhìn tiêu cực về xã hội.

Với Thưa mẹ, con đi (2019), phim được yêu cầu bỏ cảnh nhân vật gây gổ trong đám giỗ, khiến con gà cúng rơi xuống đất, trái phong tục người Việt. Hoặc phim Trái tim quái vật (2020) bị cắt nhiều cảnh máu me dù là phim kinh dị. Nhiều năm qua, Hội đồng duyệt phim bị nhận định lúc nghiêm khắc, lúc nhẹ tay quá mức.

Giới làm phim Việt cho rằng nhiều tác phẩm nội bị "soi" kỹ hơn phim nước ngoài. Anh Nguyễn Cao Tùng - nhà sản xuất phim Thất sơn tâm linh - nói: "Có nhiều cảnh phim ngoại với mức độ nội dung nặng hơn phim Việt nhưng không bị cắt". Tại tọa đàm trực tuyến Ai góp ý giơ tay lên tháng 9/2021, nhiều nhà làm phim bày tỏ mong muốn khâu kiểm duyệt thông thoáng hơn với tiêu chí rõ ràng.

Theo Vnexpress