Điện ảnh

Chuyên Mục

Tác phẩm 'Dunkirk' và lăng kính điện ảnh về chiến tranh


Không lạm dụng máu me hay những đại cảnh cháy nổ hoành tráng, phim điện ảnh về chiến tranh “Dunkirk” vẫn tạo được không khí bi tráng, hồi hộp đến phút cuối.


Sau bom tấn Interstellar (2014), đạo diễn tài ba Christopher Nolan tiếp tục khiến cộng đồng yêu điện ảnh bất ngờ khi công bố dự án tiếp theo mang tên Dunkirk. Ra mắt 3 năm sau đó, tác phẩm nhanh chóng đón nhận nhiều lời khen từ giới phê bình, đồng thời giúp ê-kíp bỏ túi 3 tượng vàng Oscar ở hạng mục “Dựng phim”, “Biên tập âm thanh” và “Hòa âm hậu kỳ”.

Cuộc đổi gió về thể loại và lối dẫn dắt

Khác hẳn các tác phẩm trước thường khai thác đề tài khoa học giả tưởng, phiêu lưu hay tâm lý giật gân, Dunkirk thuộc thể loại lịch sử và dựa trên một sự kiện có thật. Đó là cuộc di tản lớn nhất trong lịch sử quân sự xảy ra hồi đầu Thế chiến II.

Sở hữu nội dung đơn giản, không chứa bất kỳ cú lật nào cộng thêm dàn nhân vật vô danh đúng nghĩa, đây là phép thử mạo hiểm của vị đạo diễn quái kiệt. Bộ phim cũng là màn đổi gió ấn tượng bởi mỗi lần nhắc đến Christopher Nolan, khán giả thường liên tưởng đến những câu chuyện đồ sộ, ngập tràn tình tiết xoắn não.

Dunkirk là bom tấn chiến tranh đầu tiên do Nolan thực hiện.

Thay vì tập trung vào một vài gương mặt chủ chốt, diễn biến phim được kể qua 3 tuyến truyện với bối cảnh, mốc thời gian khác biệt: Đất liền - một tuần, bầu trời - một ngày và mặt biển - một giờ. Nhờ cách kể bất đối xứng, Christopher Nolan vừa mang đến góc nhìn khách quan về trận đánh, vừa khắc họa mức độ tàn khốc của chiến tranh ở nhiều phương diện.

Tác phẩm có câu chuyện đơn giản, không nhiều tình tiết xoắn não giống các phim trước của Nolan.

Phần biên tập và xử lý âm thanh cũng là điểm sáng, đóng đóng vai trò quan trọng mang lại sự thành công cho Dunkirk. Chẳng có giai điệu chủ đề (theme) cụ thể, các bản nhạc nền xuyên suốt 107 phút phim mang hơi hướm “ambient”, tức chú trọng vào hiệu ứng không gian hơn là cấu trúc, ca từ.

Sử dụng thủ thuật “Shepard tone”, phù thủy âm nhạc Hans Zimmer dễ dàng đánh lừa thính giác người xem, rồi nhấn chìm họ trong bầu không khí nặng nề, đặc quánh sự căng thẳng. Kết hợp với lối dịch chuyển âm lượng và tiếng đạn nổ, bom rơi, thanh âm giờ đây thành người dẫn chuyện vô hình, điều phối cảm xúc khán giả tới phút chót.

Mặc dù có nhiều thay đổi táo bạo, thậm chí phá vỡ khuôn mẫu, tuy nhiên Dunkirk vẫn không xa rời ý niệm thời gian - thứ giá trị làm nên tên tuổi lẫn bản sắc cho vị quái kiệt. Xuyên suốt bộ phim là cuộc tháo chạy hối hả, tiếng đồng hồ tích tắc lặp đi lặp lại báo hiệu tử thần đang cận kề, hay 3 tuyến truyện riêng biệt cuối cùng cũng giao nhau tại một thời khắc.

Cách sử dụng âm thanh và nhạc nền là điểm nhấn đặc sắc trong phim.

Một bom tấn về chiến tranh độc đáo

Bên cạnh nỗ lực đổi mới bản thân, Nolan cũng mang đến làn gió lạ cho dòng phim lịch sử, chiến tranh qua Dunkirk. Trái ngược phần lớn tác phẩm khác thường xoay quanh những chiến tích vẻ vang, bom tấn điện ảnh này khắc họa cuộc trốn chạy nhục nhã của lính Anh sau hàng loạt thất bại ê chề. Đối với những kẻ bại trận, sống sót trở về đã là chiến thắng.

Nếu thể loại chiến tranh thường khiến khán giả hãi hùng bằng hình ảnh máu me, bạo lực cùng nhiều trường đoạn hoành tráng, Dunkirk lại tối giản chúng. Thay vào đó, phim sử dụng các góc máy rộng nhằm lột tả sự bé nhỏ của con người trước thiên nhiên rộng lớn. Quân sĩ Anh giờ hoàn toàn đơn độc, họ chẳng còn chỗ nào để ẩn náu trong khi kẻ thù ngày càng khép chặt vòng vây.

Ngoại trừ giọng nói văng vẳng phía xa, tiếng ngư lôi rẽ nước hay âm thanh đặc trưng từ động cơ tiêm kích Messerschmitt Bf 109, khán giả không nhìn thấy bóng dáng bất cứ binh lính nào thuộc phe Đức Quốc xã. Bờ biển Dunkirk lúc này chỉ có quân lính đồng minh đang đối diện với nỗi sợ hãi và bản năng sinh tồn của chính mình.

”Dunkirk” dùng những đại cảnh để thể hiện sự đơn độc của quân lính Anh.

Có thể nói sự căng thẳng, hấp dẫn của Dunkirk không nằm ở khói lửa bom đạn, mà bắt nguồn từ xung đột nội tâm nhân vật. Đó là cậu lính Pháp cải trang thành quân Anh nhờ bộ đồ lấy được từ người chết vì muốn lên tàu di tản; hay nhóm binh sĩ tranh cãi dữ dội nhằm chọn ra kẻ bị bỏ lại để con thuyền mắc cạn đủ nhẹ ra khơi.

Thế nhưng, ngoài bức tranh đất liền ảm đạm, tác phẩm còn khiến khán giả xúc động trước tinh thần bất khuất và lòng nhân ái qua hai mảnh ghép còn lại. Bất chấp sự chênh lệch về lực lượng, phi đội xứ sương mù vẫn cố gắng bảo vệ vùng trời Dunkirk, giúp các đồng đội bên dưới kịp thời rút đi. Trong khi ấy, hàng trăm con tàu dân dụng đã dũng cảm tiến vào vùng giao tranh để đưa những người lính về nhà.

Dẫu sở hữu nhiều điểm khác biệt so với mặt bằng chung phim chiến tranh, Dunkirk vẫn truyền tải được cảm xúc bi tráng, tang thương cũng như tình người thời chiến. Đây tiếp tục là đứa con tinh thần mang đậm dấu ấn Christopher Nolan, khiến fan điện ảnh khó có thể bỏ lỡ.

Theo Zing News