Người nổi tiếng

Chuyên Mục

Chiêu trò truyền thông bẩn ở giới giải trí


Khán giả phản ứng khi một số bộ phim truyền hình thống trị bảng chủ đề bàn luận nóng như "Khởi đầu".


Sina đưa tin bộ phim Khởi đầu do hai diễn viên trẻ Triệu Kim Mạch và Bạch Kính Đình là dự án thu hút người xem nhất đầu năm 2022 tại Trung Quốc. Tác phẩm được đánh giá 8,2/10 điểm Douban, với nhiều lời khen ngợi về nội dung, diễn xuất.

Tuy nhiên, phim cũng bị chỉ trích vì hành vi PR quá mức, chiếm nhiều không gian trên mạng xã hội, nội dung gây tranh cãi. Bên cạnh đó, bộ phim Kính song thành cũng bị chê cười vì quảng bá thiếu chân thực.

Đánh mất tình cảm của người xem bằng chiêu trò PR lố

Theo Sina, sau 5 ngày lên sóng (từ 11/1), phim Khởi đầu đã có 303 từ khóa, chủ đề (hot search) liên quan xuất hiện trên Bảng tin giải trí của Weibo. Bảng tin này là nơi tập hợp các vấn đề nóng hổi, được bàn luận nhiều nhất về showbiz, do đó, được coi như tiêu chí để đánh giá mức độ ảnh hưởng của phim.

Việc phim Khởi đầu chiếm trọn Bảng tin giải trí được đánh giá là trường hợp chưa từng thấy, theo Sina. Những dự án phim nổi bật, có sự tham gia của các diễn viên đang được yêu thích cuồng nhiệt nhất (ngôi sao lưu lượng), cũng không có số lượng chủ đề nóng nhiều như vậy.

Theo thống kê của Sina, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 từ khóa liên quan đến bộ phim. Có thời điểm dự án này chiếm 25/50 vị trí tại Bảng tin giải trí, chưa kể Bảng tin chung.

Sina cho biết việc xuất hiện nhiều trên Bảng tin giải trí có lợi ích lớn. Khán giả sẽ tò mò về nội dung phim, từ đó nâng cao lượng người xem. Việc xuất hiện trên bảng tin này được người hâm mộ của các diễn viên rất quan tâm và ảnh hưởng mang tính quyết định tới thành công của dự án.

Phim Khởi đầu bị nghi ngờ mua truyền thông. Lưu Đào trở thành nạn nhân của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, Sina đánh giá số lượng chủ đề nóng của Khởi đầu nhiều nhưng lượng khán giả bình luận trong mỗi chủ đề lại không cao, đó là nghịch lý khiến công chúng nghi ngờ đoàn phim đã bỏ tiền mua bài đăng PR trên mạng xã hội. Theo đó, một tác phẩm thành công sẽ khiến người xem bàn luận nhiều, từ đó các chủ đề nóng xuất hiện. Nhưng phim Khởi đầu lại đi ngược quy luật trên.

Ngoài ra, bộ phim Khởi đầu còn bị chỉ trích vì chiêu trò "PR bẩn". Trong phim, nữ diễn viên Lưu Đào tham gia với vai trò khách mời là cục trưởng cục cảnh sát Đỗ Kính Tùng. Cô hy sinh mái tóc ngắn và trang điểm kém sắc để tạo điểm nhấn cho vai diễn.

Tuy nhiên, khi nhân vật Đỗ Kính Tùng trong phim bị nghi ngờ sử dụng ma túy, trên mạng xã hội đã xuất hiện từ khóa "Lưu Đào bị xét nghiệm chất kích thích". Theo Sina, đoàn phim đã sử dụng tên thật của diễn viên trong chủ đề nóng khiến nhiều người hiểu nhầm nữ nghệ sĩ vướng bê bối. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng Lưu Đào.

Trong trường hợp khác, chủ đề "Cảm ơn phim đã cứu tôi khỏi loạt phim rác năm 2022", cũng bị đánh giá là chiêu trò PR bẩn. Theo đó, đoàn phim cố tình hạ bệ các đối thủ chiếu cùng thời điểm để nâng danh tiếng của mình. Tuy nhiên, đầu năm 2022, ngoại trừ Khởi đầu, truyền hình Hoa ngữ cũng có một số bộ phim hay khác.

Sina bình luận những chiêu trò quảng bá quá mức đã khiến tình cảm của khán giả với bộ phim Khởi đầu giảm dần. Nhiều người bình luận họ muốn biết các vấn đề khác, ngoài bộ phim. Cũng có người chia sẻ chỉ cần nhìn vào chủ đề nóng, họ đã nắm bắt được diễn biến của nội dung, bởi đoàn phim mua nhiều hot search và quá chi tiết.

"Khởi đầu là bộ phim chất lượng về mọi mặt. Phim hay thì nên quảng bá để mọi người biết và thưởng thức. Tuy nhiên, việc quảng cáo quá mức đã có tác dụng ngược", Sina bình luận.

Bộ phim Kính song thành cũng vướng tình huống bị chê cười. Khi phim mới phát sóng, trên Bảng tin giải trí xuất hiện từ khóa "Phim thần tượng cổ trang xin hãy chọn nam chính theo tiêu chuẩn này".

Theo Sina, nội dung của chủ đề nhằm khen ngợi ngoại hình và phục trang của tài tử Lý Dịch Phong. Trước đó, vẻ ngoài các nam diễn viên trong phim cổ trang Trung Quốc như La Chính, Kim Hạn, Đổng Nham Lỗi đã bị chỉ trích nhiều...

Tuy nhiên, giới chuyên môn phân tích cách PR của ê-kíp Lý Dịch Phong đã vô tình bôi nhọ các diễn viên khác. Đặc biệt, trong phim, nam diễn viên bị chê tăng cân, diễn xuất đơ kém, khó có thể trở thành hình mẫu như đoàn phim tung hô.

Vì nội dung hot search không đúng với thực tế nên nam diễn viên đã nhận nhiều lời chê từ công chúng, càng khiến danh tiếng của phim Kính song thành lao dốc.

Chạy đua thành tích
Sina nhận định việc chạy đua thành tích đang trở thành vấn nạn trong giới giải trí Hoa ngữ.

Thành tích không chỉ là mối quan tâm của đoàn phim mà còn của cả người hâm mộ. Do đó, đoàn phim chi tiền để liên tục mua chuộc truyền thông, định hướng dư luận, còn fan thì miệt mài thực hiện việc quảng cáo thông qua chạy số liệu.

Theo Sohu, một số nguồn tin trong giới giải trí tiết lộ đoàn phim Khởi đầu đã sử dụng số tiền gần 8 triệu USD vào quá trình quảng bá bộ phim. Trong khi phim chỉ có 15 tập, chi phí sản xuất không cao do bối cảnh hẹp, số vốn chủ yếu được dành cho việc truyền thông.

Do bộ phim dành nhiều suất trên Bảng tin giải trí, nên các dự án khác phát sóng cùng thời điểm như Đãi vàng, Kính song thành, Thành phố ánh sáng (Lưu quang chi thành) đều không thể chen chân, lọt vào mắt khán giả.

Việc chạy đua thành tích còn thúc đẩy các đoàn phim làm giả số liệu. Trước đó, bộ phim Lương ngôn tả ý do La Vân Hi và Trình Tiêu đóng chính bị phát hiện đã tăng vọt một triệu lượt xem chỉ trong vòng một phút.

Theo Sohu, số liệu này vượt qua phim hot nhất năm 2021 là Tảo hắc phong bạo. Trong khi đó, danh tiếng của Lương ngôn tả ý bị đánh giá kém hơn hẳn. Do có sự thay đổi quá khác biệt về số liệu nên đoàn phim vướng nghi vấn can thiệp thành tích.

La Vân Hi, Dương Tử, Lý Dịch Phong đều bị cho là sử dụng chiêu trò để nâng cao danh tiếng.

Ngoài ra, bộ phim Nữ bác sĩ tâm lý của Dương Tử và Tỉnh Bách Nhiên cũng bị nghi ngờ khi tăng lượt xem bất thường. Phim tăng 800 triệu view chỉ trong một ngày và nhanh chóng đạt mốc 1 tỷ lượt xem, tạo cảm giác dự án đang được công chúng đón nhận nhiệt liệt.

Cuối năm 2021, CCTV, đài truyền hình trung ương Trung Quốc, đã liên tục có những bài viết vạch trần chiêu trò định hướng và kiểm soát truyền thông của các đoàn phim hay người hâm mộ, hoặc những người sử dụng công cụ làm giả số liệu, thành tích.

Trên Sina, Chu Ngụy, Phó giáo sư, nhà nghiên cứu lĩnh vực Truyền thông thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, cho biết việc người hâm mộ mù quáng theo đuổi ngôi sao, nghệ sĩ dùng số liệu để đánh bóng tên tuổi, đã vô tình tạo ra hiện tượng tiêu cực cho ngành giải trí như biến việc "bình luận dạo" trở thành ngành công nghiệp hạ bệ đối thủ, hay tâng bốc thần tượng với quy mô lớn và bài bản.

Chu Ngụy cho rằng hành động "điều khiển và kiểm soát" truyền thông của thế lực đen, làm giả số liệu là vi phạm Luật chống cạnh tranh không lành mạnh khi gây rối loạn thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế lẫn danh tiếng của nhiều cá nhân liên quan.

Không chỉ vậy, chỉ số và đánh giá truyền thông trở thành chìa khóa để cạnh tranh tài nguyên nghệ thuật, về lâu dài sẽ khiến showbiz Trung Quốc rơi vào ngõ cụt khi nghệ sĩ tìm đủ mọi cách để hút fan, nâng cao danh tiếng thay vì trau dồi thực lực.

Đoàn phim cũng sẽ vì tiếng tăm mà sử dụng nhiều chiêu trò, ảnh hưởng đến cảm nhận đúng của khán giả.

Theo Zing News