Phim '1990' - ý tưởng tốt, diễn xuất nhạt
Phim Tết "1990" lấy cảm hứng từ đời tư Lan Ngọc, Diễm My 9x, Nhã Phương, song dàn diễn viên không cứu nổi kịch bản nhạt.
Ra mắt sau gần một năm hoãn vì dịch, 1990 quy tụ Lan Ngọc, Diễm My 9x, Nhã Phương. Cùng sinh năm 1990, với dàn diễn viên, tác phẩm là cột mốc đánh dấu độ tuổi 30. Với đạo diễn Nhất Trung, phim mang tính chất kỷ niệm bởi dàn cast là đàn em thân thiết của anh. Ba người đẹp đều từng tham gia dự án của Nhất Trung, từ tác phẩm bị đánh giá thảm họa (Tây du ký hậu truyện) đến phim từng đạt kỷ lục doanh thu phòng vé (Cua lại vợ bầu).
Phim có màn khởi đầu tốt khi giới thiệu hoàn cảnh từng nhân vật. Linh Lan (Lan Ngọc), Jessica Diễm (Diễm My 9), Nhã Ca (Nhã Phương) là nhóm bạn thân từ thuở thiếu thời. Lớn lên, mỗi người rẽ một hướng với nghề nghiệp, lối sống khác nhau. Một nữ giám đốc xinh đẹp, thành đạt, khi được bạn trai cầu hôn lại chùn bước. Một ngôi sao mạng xã hội, có tầm ảnh hưởng với giới trẻ song không tin vào tình yêu. Một nhà văn phát hiện chồng ngoại tình, đối diện nguy cơ hôn nhân tan vỡ. Dù là bạn thân, mỗi người chọn cách che giấu những ẩn ức thay vì thổ lộ để được sẻ chia, từ đó ngày càng xa cách nhau.
Tuy vậy, kịch bản lỏng lẻo khiến phim khó tạo được sức hút. Bộ ba nhân vật được xây dựng như mẫu phụ nữ độc lập, có thành tựu nhất định trong sự nghiệp. Nhưng họ có tính cách nhạt nhòa, thiếu nhất quán. Nỗi sợ kết hôn của Linh Lan chưa được lý giải thấu đáo bằng câu chuyện nền hay biến cố quá khứ. Đạo diễn chỉ đưa ra quan điểm của nhân vật thông qua cách cô phát biểu chung chung: "Mọi chuyện đang rất tốt đẹp mà, tại sao không giữ nguyên như vậy đi?". Ở một đoạn khác, khi Vũ (Hải Nam) rút lại lời cầu hôn vì thấy bạn gái chưa sẵn sàng, Linh Lan lại tiếc nuối, hụt hẫng. Sự rối rắm, phức tạp trong suy nghĩ nhân vật chưa được đạo diễn phân tích, mà chỉ điểm qua bằng một số phân cảnh tưởng tượng như nỗi sợ chăm con, làm nội trợ..., chủ yếu tạo tiếng cười thay vì gợi sự đồng cảm.
Tương tự, câu chuyện của Nhã Ca không đủ lớp lang để làm bật lên bi kịch nhân vật. Nhã Ca phát hiện Phong (Quang Tuấn) - chồng cô - ngoại tình từ đầu phim, nhưng loạt tình tiết sau đó không cho thấy nhân vật trăn trở nhiều với nỗi đau hôn nhân rạn nứt. Cô là một nhà văn nặng gánh cơm áo gạo tiền, phải nuôi con nhỏ, song phim không có phân đoạn nào miêu tả rõ hoàn cảnh chật vật của Nhã Ca. Mối quan hệ của nhân vật với một chàng trai trẻ (Gin Tuấn Kiệt) - người khiến cô thấy hạnh phúc vì được quan tâm - cũng bị lửng lơ. Trong bộ ba nhân vật, chỉ có Jessica Diễm - với quá khứ bị gia đình bỏ rơi - được khai thác đến nơi đến chốn.
Diễn xuất của dàn cast chính cũng trở nên nhạt nhòa. Lan Ngọc là gương mặt hiếm hoi tạo được ấn tượng nhờ biểu cảm và lối thoại tự nhiên. Linh Lan khóc, trò chuyện cùng người mẹ khuyết tật (Kim Xuân) là một trong số ít phân đoạn gợi cảm xúc. Khi nhóm bạn tranh cãi dẫn đến bùng nổ mâu thuẫn, nét diễn của Lan Ngọc ít tạo cảm giác gồng, gượng so với hai diễn viên còn lại. Nhã Phương - trong vai "bánh bèo vô dụng" - duy trì giọng thoại đều đều, ánh mắt chực khóc. Ngược lại, Diễm My 9x dễ khiến người xem mệt mỏi với phân đoạn diễn thuyết về tình yêu trước nhóm bạn trẻ, hay cự tuyệt tình cảm của cha già.
Cố gắng phân đều "đất" diễn cho dàn vai chính, đạo diễn bỏ lửng nhiều tuyến phụ. Mạc Văn Khoa vào vai một thầy giáo dạy yoga, người giúp Jessica thay đổi ác cảm về chuyện yêu đương. Sau vài phân cảnh hẹn hò lãng mạn với cô cùng một số câu thoại triết lý, anh đột ngột biến mất, để lại dấu chấm hỏi về chuyện tình cả hai. Vũ - bạn trai Linh Lan - cũng là tuyến nhân vật chưa được khai thác tròn trịa. Nghệ sĩ Hữu Châu - vai người cha lầm lỗi của Jessica - là gương mặt phụ hiếm hoi bật lên nhờ màn diễn cao trào về tình cảm gia đình.
Tác phẩm có phần lạm dụng các đoạn nhạc nền để gợi cảm xúc. Cách sử dụng một nhạc phẩm không lời kinh điển lồng ghép vào tác phẩm cho thấy êkíp thiếu đào sâu, tìm tòi về âm nhạc, chỉ dùng chất liệu có sẵn. Phong cách dựng phim cũng khó khiến người xem duy trì mạch cảm xúc. Ở đoạn kết, đạo diễn dàn xếp một biến cố để giải quyết mâu thuẫn của nhóm bạn. Tuy vậy, cách dàn dựng khiến phân đoạn này chủ yếu mang màu sắc hài hước, làm giảm tính nghiêm túc của vấn đề lẫn giá trị thông điệp của tác phẩm.
- Phim kinh dị nặng đô Nhật Bản ra rạp Việt sau hơn 35 năm 'mất tích' (29-May-2024)
- Lý do phim của Lương Bích Hữu, Trương Thế Vinh thu chưa đầy 2 tỷ đồng (24-May-2024)
- Nguyễn Quang Dũng: 'Khó sống nếu không thuộc top 3 đạo diễn hàng đầu' (23-May-2024)
- 'Lật mặt 7' vào top ba phim Việt ăn khách nhất (22-May-2024)
- 'Án mạng lầu 4' hỏng vì phi logic nhưng chưa đến nỗi là thảm họa phim Việt (21-May-2024)
- 'Lật mặt 7' vượt mốc 400 tỷ đồng (18-May-2024)
- Phim 18+ của Xuân Lan lỗ (18-May-2024)
- 'Lật mặt 7' áp đảo bom tấn 'Hành tinh khỉ' (14-May-2024)
- Sau Lý Hải và Trấn Thành, ai sẽ là đạo diễn nghìn tỷ đồng? (13-May-2024)
- Lý Hải, Trấn Thành giúp doanh thu rạp Việt vượt 2.000 tỷ đồng (10-May-2024)