Điện ảnh

Chuyên Mục

Khi phim chuyển thể lên ngôi


Phim remake, chuyển thể được các nhà làm phim ưu tiên lựa chọn bởi tính hiệu quả và khả năng sinh lời.


Dù nhận phải nhiều ý kiến trái chiều, dòng phim chuyển thể, remake vẫn gặt hái thành công vang dội và ngày càng được ưa chuộng. Với nhiều dự án mới được công bố, có thể thấy chuyển thể và remake tiếp tục là hướng đi an toàn của điện ảnh trong tương lai.

Chuyển thể và remake được coi là hướng đi an toàn cho điện ảnh.

Chuyển thể và remake vẫn là xu hướng

Từ Chìa khoá trăm tỷ được làm lại từ Key Of Life của Nhật Bản, Chuyện ma gần nhà lấy cảm hứng từ truyền thuyết đô thị kinh dị truyền miệng tại Việt Nam, cho đến hai bộ phim vừa công bố là Đất rừng phương Nam - tác phẩm chuyển thể dựa trên tiểu thuyết và phim truyền hình cùng tên - hay Người đẹp Tây Đô, dự án khai thác tựa phim nổi tiếng cùng tên ra mắt năm 1996 do đạo diễn Lê Cung Bắc thực hiện, tất cả đều dựa trên những ý tưởng, sản phẩm đã ra mắt và từng tạo tiếng vang lớn.

Một lý do dễ thấy để nhà sản xuất Việt Nam lựa chọn chuyển thể hay remake là vì họ sẽ có "một nền tảng bền vững có sẵn" để dựa vào. Các dự án này thường có thời gian sản xuất ngắn, và phim gốc được chọn để làm lại vốn đạt thành công vang dội. Do đó, nhà làm phim chỉ cần đảm bảo chất lượng tác phẩm và thêm thắt yếu tố chắc chắn có khả năng sinh lời. Điều này dễ dàng hấp dẫn nhà đầu tư hơn là những ý tưởng mới còn nằm trên trang giấy, với khả năng thu hồi vốn khó đánh giá chuẩn xác.

Các tựa phim chuyển thể và remake liên tục gặt hái thành công thương mại ở nhiều nơi trên thế giới, điển hình như bộ phim Perfetti sconosciuti do Italy sản xuất vào năm 2016. Chỉ trong 5 năm, bộ phim này đã có 18 phiên bản remake, trải dài từ châu Âu, châu Mỹ đến châu Á.

Tác phẩm Tiệc trăng máu - bản Việt của Perfetti sconosciuti - ra rạp năm 2020 đã thu về hơn 175 tỷ đồng, qua đó lọt vào danh sách 4 phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại. Ngoài ra, Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, Anh trai yêu quái đều là những phim phiên bản Việt để lại dấu ấn và đạt doanh thu ấn tượng.

Ở lĩnh vực chuyển thể, Chàng vợ của em, tác phẩm có nội dung dựa trên tiểu thuyết bán chạy Busy Woman Seeks Wife của nữ nhà văn Annie Sanders, Cô gái đến từ hôm qua và Mắt biếc, dự án chuyển thể từ 2 quyển sách được yêu thích của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay Tấm Cám: Chuyện chưa kể đều giành thắng lợi tại phòng vé.

Dòng phim này sớm đạt thành công lớn tại Hollywood vào giai đoạn đầu những năm 2000 đến khoảng năm 2015, với loạt thương hiệu đình đám, mang về doanh thu khổng lồ lên đến hàng tỷ USD như Harry Potter, The Hunger Games, Twilight, Divergent...

Ở thị trường phim ảnh lớn nhất thế giới, Trung Quốc, những tác phẩm bùng nổ phòng vé trong vài năm gần đây đa phần có nội dung rút ra từ sự kiện lịch sử, chủ yếu là cuộc kháng chiến chống Nhật. Ngoài ra, bản remake của loạt nhân vật cổ tích trong tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa của Hứa Trọng Lâm và Lục Tây Tinh, hay truyền thuyết về Thanh Xà Bạch Xà, Tây du ký cũng được thực hiện vô số lần mà vẫn tiếp tục thu về doanh thu cao.

Phim chuyển thể sớm gặt hái thành công vang dội tại Hollywood.

Nhìn chung, chuyển thể, remake hay tái khởi động vẫn là xu hướng làm phim thương mại phổ biến trên toàn thế giới, trong đó bao gồm Việt Nam, bởi độ an toàn, dễ sản xuất và tính phù hợp cho các thị trường điện ảnh đang phát triển. Lĩnh vực này dường như sẽ không có dấu hiệu hạ nhiệt trong ít nhất 5 năm nữa.

Ý tưởng mới mang đến nhiều thử thách
Giữa thời đại bùng nổ của nền công nghiệp điện ảnh trong khoảng 10 năm trở lại đây, khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã có nhiều bước tiến trong việc phát triển ý tưởng kịch bản riêng, qua đó đạt được một số thành công nhất định.

Tuy nhiên, số lượng ý tưởng gốc được đưa lên màn ảnh còn khá hạn chế. Khi một số tác phẩm mang màu sắc, chủ đề na ná với dự án đã quá quen thuộc tại Hollywood hay nền điện ảnh lớn khác, khó có thể gọi đây là "ý tưởng gốc". Ví dụ, phim Nắng với sự góp mặt của Thu Trang khiến người ta liên tưởng đến Miracle In Cell No. 7 của Hàn Quốc, hay I Am Sam từng gây sốt tại Mỹ và Cua lại vợ bầu dường như sử dụng lại toàn bộ kịch bản của Nhật ký tiểu thư Jones.

Việc mang ý tưởng mới lên màn ảnh rộng đòi hỏi khoảng thời gian dài phát triển, vì không ai muốn đặt cược tiền vào nơi không có gì chắc chắn. Từ xây dựng nội dung mới đến tìm kiếm đầu tư đều có tỷ lệ thành công khá mong manh. Vậy nên, phải rất lâu, điện ảnh Thái Lan mới có được một Bad Genius hay Friendzone.

Năm 2015, đạo diễn Hàm Trần thực hiện dự án Siêu trộm, một trong những phim đầu tiên trên thế giới làm về tiền ảo - khái niệm còn khá lạ lùng với đa phần khán giả lúc bấy giờ. Kết cục, phim thất bại thê thảm vào mùa Tết 2016, khiến nhà sản xuất lỗ hơn chục tỷ đồng.

Một ví dụ nổi bật khác là Em chưa 18. Ngay từ những ngày đầu phát triển dự án về chủ đề lạ lẫm là tâm sinh lý tuổi teen, cho đến khi có được hai cái tên "không ai biết đến" là Kaity Nguyễn và Kiều Minh Tuấn, nhiều nhà đầu tư đã quyết định rút vốn. Dù về sau Em chưa 18 trở thành cú hit bất ngờ, cho đến hiện tại, số lượng phim làm từ ý tưởng gốc đạt thành tích như phim của đạo diễn Lê Thanh Sơn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bên cạnh đó, số tiền chi trả cho nhân sự của phim điện ảnh tại Việt Nam luôn là vấn đề chưa có lời giải.

"Đối với một dự án điện ảnh Việt Nam hiện tại, số tiền trả cho nhóm biên kịch chỉ ở khoảng 2 - 3%, thậm chí dưới mức 1% tổng chi phí, trong khi ở Hollywood, số tiền này có thể lên đến 10% - 15%. Do vậy, khó mà đòi hỏi họ làm việc hăng say và đam mê. Để mở đầu dự án phim thì phải có ý tưởng kịch bản. Mà để tăng được mức lương xứng đáng cho vị trí này thì tổng chi phí cho dự án phải tăng, dẫn đến mức tiền thu về để huề vốn cũng đội lên", đạo diễn trẻ Võ Thanh Hòa chia sẻ.

Ý tưởng mới bị khán giả kìm hãm?

Có thể thấy, câu chuyện hay ý tưởng có sẵn, đã gây tiếng vang trước đó là cơ sở an toàn hơn để lập ra dự án phim thương mại.

"Hòa nghĩ remake hay không, không quan trọng. Thực tế, không riêng tôi mà nhiều nhà làm phim tại Việt Nam chỉ sử dụng ý tưởng và câu chuyện của bản gốc. Còn lại, kịch bản sẽ được làm mới hoàn toàn. Tôi không cố gắng giữ lại mọi tinh hoa hay góc máy trong bản gốc. Trọng tâm của hai phiên bản cũng phải đem đến sự khác biệt. Như với Nghề siêu dễ - phiên bản làm lại của bom tấn Hàn Extreme Job - mọi lời đồn đoán hiện tại đều không đúng đâu, tôi đã thay đổi rất nhiều", đạo diễn Võ Thanh Hòa định nghĩa cách làm phim remake từ kinh nghiệm bản thân.

Theo đạo diễn sinh năm 1989, việc biến bộ phim truyền hình có dung lượng 11 tập, tình tiết dàn trải thành phiên bản điện ảnh dài khoảng 2 giờ đồng hồ như Đất rừng phương Nam là thử thách không hề dễ với đội ngũ thực hiện và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Bản màn ảnh nhỏ và bản chiếu rạp phải mang hai tinh thần khác nhau, dù đều dùng chất liệu từ tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi. Vì vậy, giống với đa phần khán giả, đạo diễn Võ Thanh Hòa mong đợi được xem Đất rừng phương Nam trên màn ảnh lớn.

Dù đòi hỏi nhiều ý tưởng mới táo bạo, thực tế khán giả Việt Nam chưa có thói quen nhìn nhận sự khác biệt, và mặc định chỉ những khái niệm quen thuộc mới là điều chính xác.

Khán giả không sai khi lên tiếng. Tuy vậy, chính sự đánh giá thiếu khách quan đã kìm hãm "ý tưởng mới" của nhiều nhà làm phim trẻ Việt Nam. Kết quả, họ ôm đam mê thầm lặng cùng sự độc đáo riêng của mình ra nước ngoài để tìm bến đỗ an tâm hơn. Từ đó, sản phẩm họ làm ra cũng mang quốc tịch nước khác, trong khi người xem vẫn mãi loay hoay, trách cứ tại sao Việt Nam liên tục làm phim remake, chuyển thể mà có quá ít nội dung mang tính nguyên bản.

Theo Zing News