Điện ảnh

Chuyên Mục

Bom tấn, bom 'xịt' của điện ảnh Việt 2021


"Bố già" của Trấn Thành đạt doanh thu kỷ lục, "Trạng Tí" của Ngô Thanh Vân lỗ nặng một phần do fan "Thần đồng đất Việt" tẩy chay.


Năm 2021, do dịch, thị trường điện ảnh trong nước giảm sút. Từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 11, doanh thu phim bằng 0, nhiều cụm rạp lỗ hàng trăm tỷ đồng. Dù vậy, gần nửa năm đầu, làng phim chứng kiến cuộc cạnh tranh phòng vé của khoảng 14 tác phẩm, tạo nên bức tranh cả năm với gam màu sáng - tối đậm nét.

"Bố già" của Trấn Thành "cứu" phòng vé Việt một năm qua với doanh thu hơn 400 tỷ đồng. Ảnh: TT Town

Một số phim Việt đạt mốc trăm tỷ đồng nhờ chọn đúng điểm rơi sau khi rạp mở cửa. Bố già của Trấn Thành được nhắc đến nhiều từ khi phát hành hồi tháng 3, trải qua nhiều cột mốc chinh phục phòng vé Việt. Hôm 14/3, tác phẩm là phim trong nước đầu tiên đạt mốc 200 tỷ đồng tại thị trường nội địa, vượt doanh thu của Cua lại vợ bầu (năm 2019, thu gần 192 tỷ đồng) - cũng do Trấn Thành đóng chính.

Bố già sau đó vượt Avengers: Endgame - tác phẩm đạt doanh thu 285 tỷ đồng tại Việt Nam sau hai tháng trong năm 2019 - trở thành phim ăn khách nhất phòng vé trong nước với hơn 400 tỷ đồng. Sau khi phát ở Mỹ hồi tháng 6, phim đạt doanh thu hơn một triệu USD (khoảng 24 tỷ đồng). Đầu tháng 12, tác phẩm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề cử tranh giải Phim quốc tế xuất sắc tại Oscar lần thứ 94 nhưng không tiến xa.

Là phim Việt thành công nhất mọi thời, tác phẩm nhận nhiều ý kiến khen ngợi lẫn chê bai. Nhiều khán giả đánh giá việc tình tiết dễ đoán, thoại nhiều khiến tác phẩm giống phim truyền hình hơn điện ảnh. Trấn Thành cho biết nếu có cơ hội, anh sẽ dựng phim ngắn lại thay vì kéo dài thời lượng thành 128 phút. Anh cho rằng việc ôm đồm tại hiện trường - làm đạo diễn, biên kịch và đóng chính - khiến vai của anh chưa hoàn hảo.

Một tháng sau, Lật mặt: 48h của Lý Hải tiếp tục tạo cơn sốt. Theo số liệu của Box Office Việt Nam, đơn vị quan sát phòng vé độc lập, tác phẩm hành động vượt mốc 150 tỷ đồng chỉ sau ba tuần công chiếu. Dự án là phim Việt ăn khách thứ hai từ đầu năm sau Bố già. Cùng bốn phần Lật mặt trước đó, Lý Hải trở thành đạo diễn đầu tiên có phim franchise (thương hiệu) thu về tổng cộng hơn 500 tỷ đồng. Tác phẩm phát huy thế mạnh của Lý Hải ở những cảnh võ thuật, rượt đuổi, cháy nổ, nhưng hạn chế ở lời thoại và khâu kỹ thuật. Cách trò chuyện của các nhân vật còn thiếu tự nhiên, khó thoát được lối mòn nhiều phim Việt từng mắc phải.

Phát hành cuối năm 2020, doanh thu của Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử - phim do Thu Trang sản xuất, đóng chính - chủ yếu rơi vào kỳ nghỉ Tết dương lịch 2021. Sau gần một tháng chiếu, phim chạm mốc 100 tỷ đồng, giúp Thu Trang có phim thứ hai đạt mốc này, sau Tiệc trăng máu (đạo diễn Quang Dũng). Dù là một trong những tác phẩm thành công của năm, phim chưa gây ấn tượng về chất lượng. Do tập trung vào mảng miếng hài, khâu hành động của phim không nổi bật. Kịch bản mắc nhiều lỗi logic, chẳng hạn giới giang hồ trong phim tự nhận có nhiều đàn em nhưng trong trận chiến cuối cùng, họ lại tự giải quyết mọi chuyện.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng với các phim vượt mốc trăm tỷ trong năm nay, bên cạnh thương hiệu, sức hút của dàn sao, yếu tố thời điểm góp phần quan trọng. "Những phim đó chiếu vào lúc bình thường đã ăn khách, nhờ phát hành đúng dịp, đánh trúng tâm lý khán giả sau thời gian rạp 'đóng băng' nên doanh thu vượt trội", anh nói.

Bên cạnh các điều kiện khách quan, yếu tố quyết định phim thu hút khán giả vẫn là kịch bản tốt, cách thể hiện nội dung và kể chuyện được người xem đón nhận. Nếu không, nhiều tác phẩm trở thành "bom xịt" với doanh thu thấp dù đầu tư quy mô.

Kiều - dự án được kỳ vọng khi lấy cảm hứng từ tác phẩm của Nguyễn Du - cũng lỗ nặng. Tác phẩm Mai Thu Huyền đạo diễn chỉ thu về 2,7 tỷ đồng so với kinh phí 30 tỷ. Phim rời rạp sau 19 ngày để chiếu trực tuyến trên các nền tảng trả phí.

Ngoài doanh thu thấp, tác phẩm chịu nhiều phản ứng từ người xem về nội dung. Chọn một lát cắt trong cuộc đời 15 năm lưu lạc của Kiều, với thời lượng 90 phút, phim chuyển biến chóng vánh, chưa hợp lý. Khi cao trào giữa chuyện tình tay ba Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư nổ ra, cách giải quyết có phần qua loa, các nhân vật chỉ chia sẻ nỗi niềm qua vài lời thoại. Vai hồn ma Đạm Tiên - Mai Thu Huyền đóng - cũng gây tranh cãi vì có nhiều tình tiết thêm thắt, mang yếu tố kỳ ảo so với nguyên tác.

Được trông đợi nối tiếp thành công của Mắt biếc, phim Thiên thần hộ mệnh (Victor Vũ) mờ nhạt khi ra rạp. Theo nhà sản xuất, phim hiện dừng ở 40 tỷ đồng, đủ hòa vốn so với kinh phí 20 tỷ. Tác phẩm khai thác chủ đề về showbiz, thuộc dòng phim tâm lý, ly kì - thể loại sở trường của Victor Vũ. Dù vậy, ngoài hình ảnh đẹp, âm nhạc bắt tai, phim có đường dây kịch bản cũ, môtíp tương tự Scandal: Bí mật thảm đỏ - phim anh đạo diễn năm 2012. Các tình tiết nhân vật nghi ngờ hồn ma trỗi dậy, thế lực tà ác đứng sau cái chết bí ẩn... không bất ngờ vì từng xuất hiện trong các phim cũ của Victor Vũ.

Nhiều dự án khác có vốn hàng chục tỷ đồng song "chết yểu" vì không được đón nhận, như Sám hối - doanh thu 1,2 tỷ đồng, Cậu Vàng (lấy cảm hứng từ Lão Hạc của Nam Cao) - 3,6 tỷ, theo Box Office. Cá biệt, Võ sinh đại chiến chỉ thu về 1,3 tỷ đồng dù đầu tư 25 tỷ, nhà sản xuất phải rút phim khỏi rạp sau sáu ngày chiếu.

Ngô Thanh Vân trong buổi ra mắt "Trạng Tí" tại TP HCM hồi tháng 3. Ảnh: Studio68

Ra rạp dịp lễ 30/4, Trạng Tí - phim Ngô Thanh Vân sản xuất, Phan Gia Nhật Linh đạo diễn - không đạt kỳ vọng doanh thu vì nhiều lý do. Theo Box Office, tác phẩm đến nay thu về 17,5 tỷ đồng. Phim vừa bị ảnh hưởng nặng nề do dịch vừa chịu sự cạnh tranh với các phim của Lý Hải, Victor Vũ, đồng thời chịu áp lực vì ồn ào bản quyền.

Tác phẩm có kinh phí 43 tỷ đồng - thuộc hàng cao nhất trong các phim Ngô Thanh Vân từng ra mắt, chủ yếu ở khâu kỹ xảo đồ họa và bối cảnh. Trước khi phim ra rạp, nhiều fan Thần đồng đất Việt (kịch bản gốc) đòi tẩy chay vì nhà sản xuất làm việc với công ty Phan Thị - công ty nắm bản quyền truyện, thay vì hợp tác với họa sĩ Lê Linh - cha đẻ bộ truyện. Nhà sản xuất khẳng định quá trình mua bản quyền và thực hiện bộ phim đúng theo pháp luật, đồng thời giải thích Lê Linh chỉ có quyền tác giả với bốn nhân vật của truyện tranh, quyền sở hữu vẫn là công ty Phan Thị.

Trường hợp của Trạng Tí cho thấy sức mạnh của hiệu ứng truyền miệng trong khán giả có thể tác động doanh thu phim. Ngô Thanh Vân từng cho biết êkíp khốn đốn khi phim bị kêu gọi tẩy chay. Cô nói: "Tôi không muốn làm một phim có nội dung tốt nhưng bị khán giả chỉ trích bởi những yếu tố ngoài lề".

Theo Vnexpress

 Video: