Người nổi tiếng

Chuyên Mục

BTS đang thách thức Kpop?


Chuyên gia cho rằng việc BTS quyết định nghỉ ngơi nhằm ưu tiên sức khỏe thể chất và tinh thần có thể đem lại thay đổi tích cực cho ngành công nghiệp Kpop..


2021 được đánh giá như một năm thành công tại thị trường quốc tế với BTS, khi nhóm tiếp tục gây dấu ấn thông qua loạt thành tích chưa từng có tiền lệ ở nền âm nhạc Hàn Quốc như nhận đề cử giải Grammy, giành vị trí số một trên bảng xếp hạng Billboard, được vinh danh tại sự kiện American Music Awards (AMA). Có thể nói BTS đã tạo nên làn sóng ảnh hưởng mới cho Kpop trong nền văn hóa đại chúng toàn cầu.

Sau chuỗi kỷ lục ấn tượng, ngày 6/12, HYBE - công ty chủ quản của BTS - thông báo nhóm nhạc có đợt nghỉ phép kéo dài.

"Khoảng thời gian nghỉ ngơi này mang đến cho các thành viên BTS, những người đã cống hiến vì hoạt động nghệ thuật một cách không ngưng nghỉ, cơ hội để lấy lại cảm hứng và nạp lại nguồn năng lượng sáng tạo của bản thân", HYBE khẳng định trong thông báo.

BTS có đợt nghỉ phép dài ngày để dành thời gian cho bản thân và gia đình. Ảnh: Naver.

HYBE cho biết đợt nghỉ phép dài ngày này cũng là lần đầu tiên BTS tận hưởng kỳ nghỉ lễ bên gia đình kể từ khi ra mắt. Công ty hy vọng công chúng "thể hiện sự thông cảm với nhu cầu tận hưởng cuộc sống bình dị, tự do thường ngày trong khi tập trung vào bản thân của các thành viên".

Dù tin tức này có thể gây thất vọng với một số người hâm mộ, nhiều chuyên gia cho rằng đáng ngưỡng mộ khi BTS quyết định ưu tiên sức khỏe của bản thân, đặc biệt tại nền văn hóa và ngành công nghiệp nơi sức khỏe tinh thần còn phải đối mặt với nhiều định kiến, hiểu lầm.

Văn hóa cạnh tranh trong xã hội Hàn Quốc

Theo USA Today, trong số các nước phát triển, Hàn Quốc nằm trong số quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất. Dưới ảnh hưởng của cường độ công việc dày đặc, áp lực từ công chúng và mức độ độc hại của "làn sóng tấn công người nổi tiếng", ngành công nghiệp Kpop phải chứng kiến sự ra đi của nhiều ngôi sao trẻ, bao gồm Jong Hyun (SHINee), Sulli và Goo Hara.

Joanna Elfving-Hwang, phó giáo sư kiêm giám đốc trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Tây Úc, chia sẻ với USA Today: "Mọi người đều cần được nghỉ ngơi, và đây là thông điệp rất mạnh mẽ. Việc BTS, hiện tượng toàn cầu của nền âm nhạc, công khai khẳng định họ cần dành thời gian riêng cho bản thân đã giúp phá vỡ khuôn mẫu về hình ảnh thường thấy tại ngành công nghiệp Kpop - nơi làm việc 24/7".

Giống nhiều quốc gia Đông Á khác, Hàn Quốc thường được khán giả biết đến với nền văn hóa mang tính cá nhân, cạnh tranh cao. Điều này chủ yếu xuất phát từ quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng ở đất nước này trong những năm gần đây.

Hyeouk Chris Hahm, giáo sư của chương trình Công tác xã hội, Đại học Boston phân tích: "Bản chất của sự cạnh tranh tại Hàn Quốc là không khoan nhượng và không ngừng nghỉ".

Hyeouk cho biết một số thay đổi liên quan tới chính trị đã khiến Hàn Quốc trở nên "cá nhân hóa và bình đẳng hơn". Điều này vô tình làm nảy sinh văn hóa cạnh tranh gay gắt ở xã hội Hàn Quốc. Kết quả, người dân tại quốc gia này bắt đầu đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý liên quan tới xã hội.

Theo Hyeouk, đây là một trong số lý do khiến Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất giữa các quốc gia thành viên của OECD. Nghiên cứu năm 2016 chỉ ra rằng dù 30% người dân Hàn Quốc mắc bệnh tâm lý, chỉ một nửa trong số họ tìm tới phương pháp điều trị.

Thần tượng Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều áp lực tinh thần từ khi còn nhỏ. Ảnh: Marie Claire.

Anson Au, nhà xã hội học tại Đại học Toronto, bày tỏ: "Từ trước đến nay, sức khỏe tâm lý vốn là chủ đề bị coi như cấm kỵ tại Hàn Quốc".

Ở Hàn Quốc tồn tại nhiều quan niệm cho rằng trạng thái tinh thần phản ánh tính cách, khả năng kiềm chế và mức độ trưởng thành của một cá nhân. Kết quả, sự tổn thương tâm lý bắt đầu bị bình thường hóa, với các ý kiến khẳng định căng thẳng tinh thần "là một phần của cuộc sống mà mọi người đều phải trải qua". Áp lực lớn từ xã hội khiến bệnh nhân mắc bệnh tâm lý buộc tìm cách thích ứng, cố gắng che giấu vấn đề sức khỏe tinh thần của mình.

Người nổi tiếng phải đối mặt với nhiều áp lực ngay từ khi còn nhỏ. Họ thường được tuyển dụng và trở thành thực tập sinh ở độ tuổi rất trẻ, sau đó sống và trải qua quá trình đào tạo ở địa điểm riêng biệt, cách xa gia đình và bạn bè. Họ lớn lên giữa môi trường nhiều áp lực, cạnh tranh và có "độ hiển thị cao" - tiểu sử, thông tin cá nhân, hoạt động trong đời sống thường ngày của họ gần như bị công khai hoàn toàn trước công chúng.

"Có rất nhiều vấn đề trong hệ thống quản lý thần tượng Kpop nói chung. Với cách các ngôi sao quảng bá hiện nay, căng thẳng nặng nề cả về mặt thể chất và tinh thần do lịch trình dày đặc là điều không thể tránh khỏi", đại diện một công ty giải trí tiết lộ tại buổi thảo luận về sức khỏe tinh thần của ca sĩ do Xports News tổ chức.

Sự thay đổi cần thiết trong Kpop

Elfving-Hwang đánh giá việc BTS, ngôi sao lớn trong nền giải trí Hàn Quốc, sử dụng sức ảnh hưởng của bản thân để đề cao tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, là hành động "truyền cảm hứng".

Theo cô, câu khẳng định "chúng tôi sẽ để bản thân được nghỉ ngơi" có thể đem lại thay đổi lớn. "Mọi người nên nhận ra rằng bất kỳ ai cũng cần có sự cân bằng, thời gian dành cho gia đình và thời gian dành cho bản thân", Phó giáo sư Elfving-Hwang nhận xét.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng những tác động BTS có thể mang lại cho hệ thống hoạt động của ngành công nghiệp Kpop còn tồn tại hạn chế, vì thành công quốc tế của BTS "đem lại cho nhóm nhiều lựa chọn hơn đa số nghệ sĩ Kpop khác".

Thực tế, rất nhiều thần tượng nghĩ họ "không thể nghỉ ngơi" khi chưa đạt được thành công nhất định. Theo họ, nghỉ ngơi đồng nghĩa với "có nguy cơ khiến bản thân trở nên thua kém hơn so với đối thủ trong ngành".

Nữ diễn viên Han Sun Hwa từng không dám nghỉ ngơi khi cô còn hoạt động dưới vai trò ca sĩ thần tượng. Ảnh: @shh_daily.

"Khi ngôi sao hạng A với lượng người hâm mộ đông đảo nghỉ ngơi, sự nghiệp của họ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng điều này không đơn giản như vậy với các thần tượng Kpop khác", một khán giả để lại bình luận.

Trước đó, vào tháng 9, nữ diễn viên Han Sun Hwa, cựu thành viên nhóm nhạc Secret, nói về khoảng thời gian cô còn hoạt động dưới tư cách ca sĩ thần tượng trong cuộc phỏng vấn cùng The Korea Times: "Tôi tin kỹ năng trình diễn của mình sẽ kém đi nếu bản thân dành thời gian nghỉ ngơi. Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi lúc đó là tụt lại so với đối thủ"

Cho - nhà sáng lập công ty tư vấn hướng nghiệp Two Rabbit - chia sẻ: "Do lịch làm việc dày đặc, nhiều người trong số họ thậm chí không nhận thức được rằng tâm lý họ đang trở nên kiệt quệ. Họ cống hiến mồ hôi và nước mắt để trở thành ca sĩ, nhưng luôn lo sợ bản thân có thể thất bại. Vì vậy, khi cảm thấy kỹ năng của mình chưa đủ tiến bộ, họ trở nên cực kỳ lo lắng về tương lai không thể lường trước".

"Hiện mọi người có thể cảm thấy thoải mái hơn khi nói về sức khỏe tinh thần, nhưng điều đó không thể xóa bỏ sự bất bình đẳng, hay văn hóa làm việc đầy căng thẳng - nguyên nhân mấu chốt khiến họ gặp vấn đề tâm lý. Vì vậy, các yếu tố gây nên áp lực tinh thần có khả năng tiếp tục tồn tại", theo Anson Au.

Do vậy, nhiều khán giả khẳng định sự thay đổi cần thiết ở Kpop không chỉ dừng ở "thời gian nghỉ ngơi", mà ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc cần có sự thay đổi triệt để từ hệ thống tổ chức, cách hoạt động của họ.

"Kpop là ngành công nghiệp rất khốc liệt, và chuyện gia nhập ngành này từ khi còn non trẻ có thể trở nên cực kỳ khó khăn. Đó là lý do tại sao việc các nhóm nhạc như BTS công khai tuyên bố 'chúng tôi cần nghỉ ngơi' có thể đem lại cơ hội mới, giúp công ty giải trí và nghệ sĩ tập trung hơn vào vấn đề sức khỏe tinh thần", Elfving-Hwang bày tỏ.

Theo Zingnews