Điện ảnh

Chuyên Mục

Phim 'Kẻ thứ ba' - ý tưởng tốt, diễn xuất nhạt


"Kẻ thứ ba" - phim Lý Nhã Kỳ đầu tư 33 tỷ đồng - có hình ảnh đẹp, cốt truyện kịch tính song khâu diễn xuất thiếu thuyết phục.


Dự án đánh dấu sự trở lại điện ảnh của Lý Nhã Kỳ - nhà sản xuất kiêm diễn viên chính - sau 10 năm kể từ Mùa hè lạnh (đạo diễn Ngô Quang Hải). Tác phẩm cũng là lần đầu Han Jae Suk - tài tử Giày thủy tinh - và đạo diễn Park Hee Joon hợp tác cùng êkíp người Việt.

Phim lấy bối cảnh chính ở Đà Lạt, xoay quanh vợ chồng họa sĩ Quang Kha (Han Jae Suk) và bác sĩ Thiên Di (Lý Nhã Kỳ). Sau khi Thiên Di đột ngột qua đời vì tai nạn, Quang Kha gặp cú sốc lớn, không chấp nhận sự thật. Một ngày, anh phát hiện có thể trò chuyện với Kelly Đào (Kim Tuyến) - cô gái sống ở quá khứ. Anh quyết định đề nghị Kelly giúp ngăn chặn vụ tai nạn cướp đi vợ anh và được cô nhận lời.

Thuộc thể loại romance-mystery (lãng mạn - kỳ bí), phim có màn khởi đầu tốt khi chọn môtíp xuyên không để gợi mở câu chuyện. Trong phim, nhân vật Quang Kha không có khả năng du hành thời gian, chỉ có thể liên lạc với quá khứ thông qua một chiếc laptop bí ẩn. Hai nhân vật Quang Kha và Kelly Đào không phát hiện điều này từ đầu, chỉ vô tình biết được họ sống giữa hai dòng thời gian, cách nhau hơn một năm. Sau hồi một, cốt truyện phát triển kịch tính hơn theo hướng điều tra khám phá. Từ TP HCM, Kelly lên kế hoạch đến Đà Lạt để ngăn chặn vụ tai nạn và phát hiện sự thật về nhân vật Thiên Di - twist then chốt của phim.

Bác sĩ Thiên Di (Lý Nhã Kỳ) và họa sĩ Quang Kha (Han Jae Suk) trong phim. Ảnh: Phúc Trần

Đạo diễn không kể câu chuyện theo trật tự thông thường mà đan xen cuộc sống hiện tại của nhân vật Quang Kha và dòng hồi tưởng quá khứ. Lối kể này phần nào giải thích cho khán giả hiểu chuyện tình sâu đậm của Thiên Di, Quang Kha và đồng cảm cùng anh nỗi đau mất vợ.

Dù có ý tưởng hấp dẫn, phim mắc điểm trừ lớn ở phần diễn xuất. Lý Nhã Kỳ chưa tạo được ấn tượng trong vai bác sĩ xinh đẹp, tài năng. Ở những đoạn lãng mạn cùng Han Jae Suk, giọng nói đều đều, ít nhấn nhá của cô khiến phân cảnh thiếu tính khơi gợi cảm xúc. Cách nhân vật pha trò, bông đùa cũng khó gây cười vì diễn viên chưa thực sự làm chủ tình huống.

Bước sang hồi cuối, khi uẩn khúc của cuộc đời Thiên Di được tiết lộ, biểu cảm của diễn viên chưa đẩy tình tiết lên cao trào như mong muốn. Sự lo âu, hốt hoảng xen lẫn phẫn uất của nhân vật bị kìm lại bởi lối thoại thiếu kiểm soát, cách phát âm đôi chỗ còn ngọng, đớt. Trong phân đoạn kể về xuất thân nghèo khó, từng phải làm giúp việc của Thiên Di, tạo hình diễn viên chưa cho thấy sự đào sâu, tìm tòi để thuyết phục khán giả tin vào nhân vật. Ở sự kiện công chiếu phim tối 12/5 tại TP HCM, nhiều người bật cười khi xem phân cảnh này vì lối diễn còn ngô nghê.

Lý Nhã Kỳ vào vai người vợ có tâm tư sâu kín trước khi qua đời. Ảnh: Phúc Trần

Ở buổi ra mắt phim hồi cuối tháng 4, Lý Nhã Kỳ tự chấm bản thân chỉ 3 điểm trên 10 về diễn xuất, là bước lùi so với thời đóng Kiều nữ và đại gia (năm 2008). Cô nhận lỗi do bản thân nói ngọng bẩm sinh, đài từ còn kém. Thời điểm diễn viên đồng ý tham gia dự án đến khi phim khởi quay chỉ hai tuần, không đủ để tập dượt thoại lẫn diễn xuất. Ngoài ra, cô cho biết còn bị phân tâm do phải đảm nhận vai trò sản xuất chính, sau khi mua lại dự án vì nhà đầu tư cũ vỡ nợ.

Hai diễn viên chính còn lại - Han Jae Suk và Kim Tuyến - dừng ở mức tròn vai. Tài tử Hàn Quốc thể hiện tốt nhân vật người chồng đối diện bi kịch vợ đột ngột qua đời. Anh ghi điểm ở bộ dạng xộc xệch, ánh mắt thất thần, đau đáu nhìn con trai khi cậu bé hỏi về mẹ. Han Jae Suk cũng tương tác tự nhiên với diễn viên Xuân Nghị - vai người em - trong các phân cảnh gây cười. Tuy nhiên, do anh không thể nói tiếng Việt, giọng tài tử được lồng bởi một người khác, khiến người xem hụt hẫng.

Han Jae Suk nhập vai người chồng mang nỗi đau mất vợ. Ảnh: Phúc Trần

Kelly Đào là vai dưới sức Kim Tuyến, một phần vì nhân vật không có nhiều cảnh nội tâm, chỉ đóng vai trò dẫn dắt câu chuyện. Ban đầu, diễn viên tạo được tò mò liệu vai này có phải "kẻ thứ ba" như tên phim. Biểu cảm Kelly Đào khi phát hiện các tình tiết, đeo bám sự việc... giúp nhịp phim lôi cuốn. Tuy nhiên, tuyến truyện về Kelly Đào kết thúc chưa trọn vẹn, khiến nhân vật khó đọng lại trong tâm tưởng khán giả.

Quay ở Đà Lạt, phim tạo được nhiều góc đậm chất điện ảnh. Cảnh đôi nhân vật chính nằm trên thuyền giàu tính thẩm mỹ nhờ góc fly-cam bao quát mặt hồ xanh biếc. Ngôi nhà gỗ - nơi vợ chồng Quang Kha sống - mang gam màu nâu ấm áp, gợi hoài niệm. Những cảnh kỹ xảo - như bức thư người vợ quá cố để lại - dù không nhiều cũng tạo được hiệu ứng tốt, góp phần thể hiện ý đồ đạo diễn. Qua bàn tay nhạc sĩ Đức Trí, tác phẩm lồng ghép vừa đủ các đoạn nhạc nền để đẩy cảm xúc - thay vì lạm dụng như nhiều phim Việt gần đây.

Theo Vnexpess